Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn gốc bất ngờ của trà sữa - thức uống quốc dân tại Đài Loan

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trà sữa, loại đồ uống có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc), đã trở nên phổ biến và làm mưa làm gió trên thế giới trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nguồn gốc chính xác và thời điểm ra đời của loại đồ uống này vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi.

Trà sữa được cho là ra đời vào năm 1980 và nhanh chóng trở thành món đồ uống yêu thích tại Đài Loan (Trung Quốc). Mặc dù có nhiều biến thể khác nhau, nhưng cốt lõi của trà sữa là sự kết hợp giữa trà, sữa và trân châu – những viên nhỏ được làm từ bột năng hoặc thạch trái cây.

Theo các nghiên cứu gần đây, giá trị của ngành công nghiệp trà sữa toàn cầu ước tính đạt khoảng 2,4-3,6 tỷ USD vào năm 2024, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Trà sữa được xem là biểu tượng ẩm thực bền bỉ của Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Hanlin Tea Room
Trà sữa được xem là biểu tượng ẩm thực bền bỉ của Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Hanlin Tea Room

Tuy nhiên, loại đồ uống này được cho là đã được tạo ra từ những năm 1940. Cụ thể, vào năm 1949, Chang Fan Shu, một bartender từng làm việc tại một quán rượu sake ở Đài Loan (Trung Quốc), đã nảy ra một ý tưởng độc đáo. Khi đó, ông đang làm chủ một quán trà shou yao (trà lắc tay) và dùng bình lắc cocktail để tạo ra một loại trà đá mới lạ với lớp bọt mịn đặc trưng, gọi là trà bọt. Loại trà này nhanh chóng trở nên phổ biến và được coi là tiền thân của trà sữa hiện đại.

Phát minh của Chang Fan Shu đã tạo nên một làn sóng mới, đánh dấu bước khởi đầu cho một xu hướng sử dụng đồ uống lạnh trong văn hóa ẩm thực của người dân trên đảo. “Xu hướng uống trà phát triển cùng với sự bùng nổ của thực phẩm giải trí trong những năm 1980, khi nền kinh tế của Đài Loan đang tăng trưởng nhanh chóng”, Tseng Pin Tsang, nhà sử học thực phẩm Đài Loan (Trung Quốc), nhận định.

Ông tiết lộ, bên cạnh các sản phẩm trà đóng gói, số lượng quán trà và nhà hàng chuyên phục vụ trà cũng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Năm 1986, doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc) Tu Tsong He đã mở quán trà để khôi phục tài chính sau khi nhà hàng lẩu của ông phá sản, khiến ông nợ 4 triệu Đài tệ (124.000 USD). Trong một lần đến chợ Yamuliao ở Đài Nam, ông nhìn thấy fenyuan (trân châu) – món ăn vặt yêu thích từ thời thơ ấu và nảy ra ý tưởng thêm nó vào trà xanh. Những viên trân châu vàng óng trong trà khiến ông nhớ đến chiếc vòng cổ ngọc trai của mẹ, nên ông đặt tên món này là “trà xanh ngọc trai”.

Sau đó, Tu thử thêm trân châu đen lớn vào trà sữa, tạo ra hương vị đậm đà và tính giòn dai, từ đó hình thành món trà sữa trân châu cổ điển. Mở cửa lần đầu tiên vào tháng 10/1986, hiện tại, Hanlin có khoảng 80 chi nhánh ở Đài Loan (Trung Quốc) và nhượng quyền quốc tế.

“Trà sữa trân châu đã nhanh chóng trở thành mặt hàng bán chạy trên thị trường, và doanh thu ổn định của quán trà đã giúp tôi trả hết nợ”, Tu chia sẻ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc ai thực sự là người đầu tiên sáng tạo ra loại đồ uống độc đáo này.

Lin Hsiu Hui, quản lý sản phẩm của chuỗi Chun Shui Tang, cho biết cô đã sáng tạo ra ly trà sữa trân châu đầu tiên vào năm 1988 bằng cách thêm trân châu vào trà Assam trong một cuộc họp. Thương hiệu trà sữa này cũng khẳng định rằng đây là nơi đầu tiên lắc trà bằng bình lắc cocktail.

Tranh cãi về việc ai phát minh ra trà sữa trân châu kéo dài suốt 10 năm, từ 2009 đến 2019, và kết thúc với phán quyết rằng bất kỳ ai cũng có thể làm trà sữa trân châu, nên không cần phải tranh cãi thêm.

“Chúng tôi là bạn trong ngành, vì vậy hãy để khách hàng quyết định”, Tu nói.

Trà sữa không chỉ là một thức uống đơn thuần mà còn là biểu tượng văn hóa của Đài Loan. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong mỗi ly trà sữa đã gắn kết người dân và tạo nên một niềm tự hào dân tộc. Chính vì vậy, trà sữa trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân trên hòn đảo này.

Năm 2004, Bộ Quốc phòng Đài Loan (Trung Quốc) đã kêu gọi người dân tiết kiệm tiền mua vũ khí bằng cách bỏ một ly trà sữa mỗi tuần. Lời kêu gọi này đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội, thay vì đồng tình, người dân càng yêu thích trà sữa hơn.

Chuỗi trà sữa Easy Way đã phản bác: “Tại sao không yêu cầu mọi người bỏ uống Coca-Cola mà lại là trà sữa?”

Sự kiện này không những không đạt được mục tiêu ban đầu, mà còn vô tình giúp trà sữa trở nên nổi tiếng hơn.

Ngày nay, trà sữa đang ngày càng đa dạng về loại hình. Từ trà sữa không trà, sử dụng bột đường nâu và sữa tươi của Tiger Sugar, đến những công thức kết hợp với Oreo, dâu tây và bánh bông lan, thị trường trà sữa luôn sôi động với nhiều hương vị độc đáo và mới lạ.

Ngoài châu Á, trà sữa cũng đã lan rộng sang các nước phương Tây, điển hình là hãng Bubbleology - một trong những chuỗi trà sữa đầu tiên tại Vương quốc Anh, ra mắt vào năm 2011.

Tu cho biết niềm vui lớn nhất của ông là được tự tay tìm kiếm những loại trà ngon nhất trên khắp các ngọn núi. Ông nhấn mạnh: “Trà sữa không chỉ là niềm tự hào của Hanlin mà còn là đại diện cho ngành đồ uống của Đài Loan (Trung Quốc). Thức uống này đã góp một phần lớn trong việc quảng bá hình ảnh của Đài Loan (Trung Quốc) đến với bạn bè quốc tế”.