Nguồn lực của muôn đời

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bao đời nay, trên vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội, nhiều gia đình, dòng họ đã sản sinh những bậc hiền tài cho đất nước. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia hay như chúng ta ngày nay thường nói, nguồn lực quý báu về con người.

Tết cổ truyền cũng là một dịp để nói về văn hóa truyền thống cũ được gìn giữ, phát huy, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước hôm nay.

Thời khắc đầu tiên của năm mới là lúc gia đình xum họp. Những ai có thể, đều trở về gia đình để cùng đón năm mới, trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ. Các bậc phụ huynh, cao niên chúc Tết, mừng tuổi cho con cháu. Những lời chúc mừng bao hàm sự dạy răn, thể hiện niềm mong mỏi, hy vọng vào sự cố gắng của thế hệ cháu con. Đây cũng là dịp mỗi gia đình ôn lại truyền thống, niềm tự hào về gia đình, dòng họ mình, dù làm công việc gì, miễn là có ích cho gia đình, xã hội, cộng đồng. Đó có lẽ cũng là lý do mà cho đến nay, trải bao thay đổi, thăng trầm, ngày Tết cổ truyền vẫn tồn tại trong đời sống người dân đất Việt như một thiết chế văn hóa không thể thay thế.
 Tết cổ truyền vẫn tồn tại trong đời sống người dân đất Việt như một thiết chế văn hóa không thể thay thế.
Có một thời, lo Tết quá vất vả, dù khi đó nghỉ Tết chỉ có ba ngày, mồng Ba là đã phải đi làm, nên từng có đề xuất bỏ Tết cổ truyền, chuyển sang ăn Tết dương lịch cùng cả thế giới. Dần dà, mới ngộ ra rằng, dù ăn Tết thời điểm nào, người ta vẫn phải lo chuẩn bị, mua sắm, đi lại. Nếu ở Việt Nam là bánh chưng, giò chả, cành đào… thì ở châu Âu là cây thông, ngỗng quay, gà tây… Khi đời sống càng khấm khá, kinh tế phát triển thì nỗi lo ăn Tết càng vợi đi, và giá trị tinh thần của những ngày Tết càng được chú trọng. Và càng ngày, vị thế của những ngày Tết cổ truyền với những phong tục tốt đẹp càng được khẳng định trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt. Và không những không bị quên lãng, Tết Nguyên đán cổ truyền giờ đây còn là cái Tết chung của đồng bào các dân tộc trên dải đất hình chữ S thân thương. Cũng như ở mọi miền đất nước, với người dân Hà Nội, vui Tết cổ truyền một cách trang trọng, lành mạnh cũng là việc gìn giữ, bảo tồn những phong tục tốt đẹp, góp phần xây dựng hình ảnh con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, một nguồn lực quý báu của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước.
***
Thực tế đã chứng minh, trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người. Nhỏ là đường ăn, nếp ở. Lớn là những quan niệm mang tính truyền thống về sự gắn bó, tương thân, tương ái giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng cũng như ý thức về trách nhiệm công dân, nghĩa vụ cống hiến của mỗi người cùng cả gia đình, dòng họ cho đất nước. Điều đáng nói là đã có một thời kỳ, chúng ta dường như chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn lao như lý tưởng, trách nhiệm… mà quên mất những điều tưởng như nhỏ bé như nói năng, thưa gửi lễ phép, đi hỏi, về chào… những thói quen tốt đẹp trong mỗi gia đình, nền tảng của sự hình thành một nhân cách tốt đẹp ở mỗi con người.

Người ta thường hay nói “địa linh sinh nhân kiệt”. Cũng có thể nói, “nhân kiệt”, người tài đã tạo dựng, bồi đắp cho mỗi vùng đất ngày càng trở nên xứng tầm một “địa linh”. Và nói đến một vùng đất, không thể không nói đến những con người, những cộng đồng, dòng họ, gia đình… đã bỏ công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả máu để dựng xây, bảo vệ vùng đất đó. Lịch sử đất và người Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến là một minh chứng. Không kể những dòng họ sáng lập các vương triều hiển hách của Đại Việt như Lý, Trần, Lê… lấy Thăng Long - Hà Nội làm “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, còn có biết bao dòng họ đóng góp cho vùng đất địa linh nhân kiệt này. Dù gốc gác, cội nguồn bản địa, hay đến từ những vùng đất khác, dù là dòng họ thành đạt chốn quan trường hay gia tộc nức danh với truyền thống đạo đức thi thư, các dòng họ mang nghề tài khéo đến đất kinh kỳ góp phần làm nên sự phồn thịnh của 36 phố phường với Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đồng… cùng các làng nghề nổi tiếng ven đô như Định Công, Ngũ Xã… đều chung tay bồi đắp, dựng xây làm nên một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Công tích khác nhau và đóng góp cho nền văn hiến ngàn năm đất Thăng Long - Hà Nội ở những góc độ khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn, những dòng họ này đều có những phẩm chất chung. Đó là coi trọng truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, cái tâm hướng thiện, ý thức coi trọng luân thường đạo lý, giữ gìn nền nếp gia phong với những đức tính trên kính dưới nhường, cần cù, chăm chỉ.
***
Cũng như ý tưởng từ bỏ cái Tết truyền thống ngàn đời, quan niệm xem nhẹ những hành vi ứng xử, nền nếp văn hóa trong gia đình và xã hội nay đã là của một thời dĩ vãng. Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Việc ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã tạo những biến chuyển rõ nét trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, càng quan tâm, coi trọng yếu tố gia đình với tư cách là tế bào hạt nhân của xã hội, chúng ta càng thấy rõ những thói quen tốt, cách ứng xử phù hợp… không thể hình thành trong ngày một, ngày hai mà phải được rèn luyện, giáo dục từ nhỏ, và hơn đâu hết, gia đình, nhà trường là những môi trường rất quan trọng.

Hà Nội và cả nước vừa qua một năm 2020 đầy khó khăn, đầy biến động. Và như đã thành quy luật, càng trong khó khăn, những phẩm chất đáng quý được kết tinh từ những truyền thống tốt đẹp lại được phát huy. Một trong những yếu tố để Hà Nội trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 là sự chung tay của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng. Tết Tân Sửu này mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng Hà Nội có thể tự hào mà nhớ lại những đóng góp của mình trong nỗ lực chung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế để cùng hướng tới một năm mới hạnh phúc, an lành.

Một mùa Xuân mới đang về. Một cái Tết ấm áp, xum họp đang chờ mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng trên khắp đất nước Việt Nam yêu quý. Lại thêm một cái Tết cổ truyền với những phong tục truyền thống tốt đẹp, nhân tố tích cực tạo dựng những thế hệ người Thăng Long – Hà Nội thanh lịch, văn minh, một trong những nguồn lực muôn đời của công cuộc dựng xây và phát triển, để Thủ đô ngàn năm văn hiến mãi xứng danh vùng đất địa linh nhân kiệt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần