Nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chỉ đáp ứng 35% nhu cầu vay vốn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2016 – 2018 đã có 546.000 lao động được vay 15.447 tỷ đồng từ các nguồn vốn để hỗ trợ tạo việc làm, mở rộng sản xuất…

Sáng nay 11/10, phát biểu tại Hội nghị Đánh giá kết quả hoạt động cho vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 2-18 do Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ LĐTB&XH, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp thông tin: Đến nay, nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 4.497 tỷ đồng.
Doanh số cho vay hàng năm khoảng 2.500 – 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 303.614 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm có sự phát triển vượt bậc, với doanh số cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng, qua đó đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho 84.428 lao động.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin thêm, nếu tính cả nguồn vốn ủy thác từ địa phương, nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 30/9/2018, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 14.599 tỷ đồng. Doanh số cho vay giai đoạn 2016 – 2018 đạt 15.447 tỷ đồng với trên 487.000 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 546.000 lao động. Và, hỗ trợ 11.133 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn. Chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng cho vay là cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp.
Nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng 30 – 35% nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Mặc dù đã được quy định trong Nghị định số 61/2015/NĐ-CP nhưng đến nay ngân sách Trung ương vẫn chưa bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đối với người lao động thuộc hộ nghèo, người lao động là thân nhân người có công với cách mạng).