Nguy cơ bất ổn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án hiến pháp Thái Lan hôm 7/5 đã ra phán quyết phế truất...

Kinhtedothi - Sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án hiến pháp Thái Lan hôm 7/5 đã ra phán quyết phế truất Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra với cáo buộc lạm quyền khi thực hiện thuyên chuyển một quan chức an ninh năm 2011.

Tòa án cho rằng, bà Yingluck thiếu công tâm, đã tư lợi khi thuyên chuyển Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Cùng bị bãi nhiệm với bà Yingluck còn có những nhân sự trong nội các Thái Lan thời điểm tháng 9/2011, thời điểm vụ thuyên chuyển xảy ra.

 
Tòa án hiến pháp Thái Lan hôm 7/5 đã ra phán quyết phế truất Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra với cáo buộc lạm quyền khi thực hiện thuyên chuyển một quan chức an ninh năm 2011.
Tòa án hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết phế truất Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.
Phán quyết trên được công bố chỉ một ngày sau cột mốc 1.000 ngày tại vị của nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan (hôm 6/5) đã đẩy cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này leo thang lên mức mới. Việc thị trường chứng khoán nước này đã giảm 15 điểm trong ngày 7/5 cho thấy, các nhà đầu tư ngày càng bất an với bầu không khí chính trị tại Thái Lan.

Cùng ngày, nội các Thái Lan đã chỉ định Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan làm Thủ tướng tạm quyền mới.

Đêm 9/5, Thượng viện Thái Lan đã bỏ phiếu bầu ông Surachai Liangboonlertchai làm chủ tịch mới, thay thế ông Nikom Wairatpanich, người đã bị đình chỉ chức vụ với cáo buộc ủng hộ Chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Ông Surachai được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Thái Lan trong bối cảnh cơ quan này vào tuần tới có thể sẽ nhận được báo cáo của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) về việc buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck. Bà Yingluck bị NACC buộc tội đã phớt lờ tình trạng tham nhũng trong quá trình triển khai chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân trên toàn quốc kể từ vài năm trước.

Sau khi vụ việc được đệ trình, Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu có luận tội thủ tướng bị phế truất này hay không.

Theo Hiến pháp Thái Lan, việc luận tội như vậy sẽ cần sự chấp thuận của tối thiểu 3/5 số Thượng nghị sĩ. Nếu bị Thượng viện tuyên có tội, bà Yingluck có khả năng bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.