Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ dịch chồng dịch trong mùa Đông Xuân

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với dịch Covid-19, các dịch sốt xuất huyết (SXH), bạch hầu… đang có nguy cơ lan rộng, nhất là mùa Đông Xuân sắp tới.

Do đó, ngành y tế cùng cả nước tập trung ngăn chặn nguồn lây, không lơ là, chủ quan với các dịch bệnh. Đây là nội dung được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức sáng 21/9.
Nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện dịch SXH, bạch hầu vẫn ghi nhận số ca mắc tăng cao ở một số địa phương. Dự báo, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Thời tiết mùa Đông Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Hiện, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch. "Hiện nước ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng cùng với đó không được lơ là với các dịch bệnh khác. Việt Nam quyết tâm không để một địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Các cấp, các ngành, nhất là người dân không được lơ là, chủ quan với các dịch bệnh, phải tập trung công tác ngăn chặn nguồn lây hiệu quả" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuyên, ngành y tế sẽ đề xuất các hoạt động, biện pháp trọng tâm trong phòng dịch để nâng cao hiệu quả chống dịch.
 Tiêm phòng vaccine cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
“Việc chủ động trong giám sát ca bệnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch, sát sao đến từng người dân là biện pháp quan trọng trong ngăn chặn các dịch bệnh bùng phát. Cuộc chiến chống Covid-19 đã cho thấy, tầm quan trọng của việc giám sát và phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Đây cũng là chiến lược trong phòng, chống và ứng phó các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và đảm bảo an toàn tiêm chủng phòng bệnh cũng vô cùng quan trọng” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, với các dịch bệnh đã có vaccine, công tác tiêm chủng được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu để phòng bệnh. Đơn cử, dịch bạch hầu xảy ra ở một số địa phương đa số là ở “vùng lõm tiêm chủng”. Do vậy, vấn đề đặt ra là các biện pháp duy trì tỷ lệ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ này, đặc biệt tại các “vùng lõm”.

Phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch

Nêu tình hình SXH ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho biết, hiện nay, cả nước đang ghi nhận gia tăng số người mắc SXH. Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc đang có xu hướng tăng lên gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Cụ thể, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 70.585 ca mắc SXH, thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Hiện chưa có bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng ca mắc vẫn theo chu kỳ như hàng năm. Nhưng mùa mưa đang bắt đầu nên tình hình dịch thời gian tới có thể sẽ phức tạp hơn.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc phòng, chống dịch SXH bằng cách diệt loăng quăng, diệt muỗi năm nào cũng được tuyên truyền, nhưng do ý thức của cộng đồng chưa cao. Các chiến dịch diệt bọ gậy ở một số địa phương chỉ mang tính hình thức, không được duy trì được lâu dài, bền vững. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra phòng, chống SXH tại nhiều địa phương cũng bị ảnh hưởng.

“Thời gian tới, các địa phương tập trung hơn công tác truyền thông, duy trì đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích. Khi phát hiện ca bệnh, phải xử lý triệt để, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Hạn chế tối đa tử vong bằng việc quản lý tốt ca bệnh, tuyên truyền tránh đến bệnh viện muộn…” - ông Đặng Quang Tấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, với dịch SXH, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân tại các hộ gia đình, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng để cắt nguồn truyền bệnh là muỗi vằn. Đặc biệt, các địa phương tăng cường tổ chức chiến dịch theo quy mô lớn, duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần ở các khu vực có nguy cơ cao.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 198 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 4 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1, Kon Tum 1). Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở 3 khu vực chính: Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Đặc biệt từ tháng 6 đến nay, số ca bệnh tại khu vực Tây Nguyên tăng nhanh rõ rệt, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, chủ yếu là những người không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa được tiêm phòng vaccine bạch hầu.