Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ dư cung xi măng ngày càng lớn, cần sớm gỡ khó

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc ngành xi măng dư cung lớn cần phải có quy hoạch ngành, lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cần sớm có quy hoạch

Hiện cả nước có trên 103 dây chuyền sản xuất xi măng, 63 nhà máy tổng công suất trên 107 triệu tấn/năm. Con số này còn tiếp tục tăng khi nhiều dự án đang được đầu tư và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 123 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành dự báo, năm 2023, với tình hình thế giới diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraina, có thể một số quốc gia sẽ khủng hoảng, suy thoái về kinh tế. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu xi măng. 

Ngành xi măng Việt Nam ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung. Ảnh: Fico
Ngành xi măng Việt Nam ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung. Ảnh: Fico

Theo Công ty CP Chứng khoán Vndirect, ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung khi công suất sản xuất vượt quá nhu cầu tại thị trường trong nước những vẫn đang thiếu các nhà máy sản xuất xi măng quy mô lớn, tình trạng này dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023.

Với quy mô công suất lớn như hiện tại, thị trường nội địa có hạn, các doanh nghiệp xi măng vẫn phải tập trung khai thác thêm các thị trường xuất khẩu mới. Việc xuất khẩu lại gặp không ít khó khăn, khi chính sách ở mỗi nước khác nhau, nhiều thị trường áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu.

TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) khẳng định phải đưa ngành xi măng vào quy hoạch, nếu không có quy hoạch khi hàng loạt nhà máy ra đời sẽ nâng tổng công suất lên cao, gây chênh lệch nguồn cung và cầu.

Ngành xi măng không phải là ngành hàng hóa thông thường, để xây dựng một nhà máy cần đầu tư sản xuất gắn với tài nguyên khoáng sản, các thủ tục đầu tư theo một quy trình nghiêm ngặt đúng pháp luật, là phương thức đầu tư lâu dài nên xi măng không phải là quy hoạch của một ngành.

Mong lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu

Theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2023, sẽ điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker từ 5% lên 10%, nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Khi thuế, chi phí tăng lên, giá xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn. Các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này sẽ càng phải cân nhắc nhiều hơn để lựa chọn nhập khẩu từ nước nào có giá thành hợp lý nhất.

Điều này dự báo kênh xuất khẩu trong những năm tiếp theo không có nhiều cơ hội tăng trưởng. Ngành xi măng sẽ phải tiếp tục kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực từ việc giải ngân mạnh mẽ của Chính phủ đối với nhiều dự án đầu tư công trong năm 2022 - 2023 sẽ bù đắp phần nào sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu xi măng, clinker giải quyết được bài toán dư cung, nhưng đi kèm mặt trái là càng xuất nhiều, thì càng gây thâm hụt về tài nguyên, năng lượng và những tác động tới môi trường. Ảnh minh họa
Xuất khẩu xi măng, clinker giải quyết được bài toán dư cung, nhưng đi kèm mặt trái là càng xuất nhiều, thì càng gây thâm hụt về tài nguyên, năng lượng và những tác động tới môi trường. Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo VNCA, năm 2022, ngành xi măng cực kỳ khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng. Giá than nhập khẩu tăng mạnh khiến sản xuất không hiệu quả. Dự báo năm 2023 còn khó hơn, nếu thực hiện tăng thuế xuất khẩu clinker lên 10% thì doanh nghiệp sản xuất không chịu nổi.

Vì vậy, mới đây, VNCA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker kể từ ngày 1/1/2023 theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.

Nếu Chính phủ đồng ý lùi thời hạn thực hiện thuế xuất khẩu clinker thì đây cũng chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn. Việt Nam được đánh giá là thị trường sản xuất xi măng có quy mô sản lượng đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, công suất thiết kế các dây chuyền hiện có hơn 110 triệu tấn xi măng/năm, nhưng tiêu thụ nội địa chỉ dưới 65 triệu tấn, dư cung lớn tiếp tục tạo sức ép lớn với các nhà sản xuất.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu là sự lựa chọn gần như duy nhất. Nhưng về lâu dài, để xi măng trở thành lĩnh vực xuất khẩu mang lại nhiều giá trị hơn, không bị gắn mác xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh tỷ lệ xuất khẩu, tăng xuất xi măng và giảm xuất clinker...

 

Mặt hàng clinker (nhóm 25.23, mã số 2523.10.10 và 2523.10.90) được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 10%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.