Nguy cơ khủng bố gia tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau vụ tấn công tại Brussels (Bỉ) hôm 22/3, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liên tiếp mất thủ lĩnh cấp cao và quyền kiểm soát TP cổ chiến lược.

Lực lượng Chính phủ Syria hôm 27/3 đã có chiến thắng vang dội khi giành lại thành cổ Palmyra từ tay các phiến quân IS sau nhiều tuần giao tranh. Vốn được mệnh danh là "hòn ngọc của sa mạc", Palmyra bị IS chiếm giữ và phá hủy nhiều hiện vật từ tháng 5 năm ngoái, bao gồm các đền thờ, khải hoàn môn và các tháp mộ. Sự kiện này đánh dấu chiến thắng to lớn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trước phiến quân IS tại Syria.
Giành lại thành cổ Palmyra là chiến thắng vang dội của chính quyền Syria.
Giành lại thành cổ Palmyra là chiến thắng vang dội của chính quyền Syria.
Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter tuyên bố, Washington đã tiêu diệt được lãnh đạo quyền lực thứ 2, vốn chịu trách nhiệm quản lý tài chính cho bộ máy IS. Các nhà quan sát cho rằng chiến thắng ở Palmyra sẽ tiếp thêm động lực cho quân đội chính quyền Syria tiến tới TP Raqqa, vốn được coi là “thủ phủ” của IS. Với vị trí cận biên giới, tái kiểm soát Raqqa sẽ hỗ trợ chính quyền Syria kiểm soát khu vực dẫn tới Iraq. Cũng tại Iraq, quân đội chính phủ với sự hỗ trợ của lực lượng bán quân sự cùng không quân của liên minh quốc tế đang tổ chức phản công để lấy lại TP Mosul từ tay IS. Tình thế cho thấy IS sẽ tiếp tục mất TP chiến lược này. Đồng thời, với việc kết liễu được lãnh đạo chuyên trách hoạt động tài chính của IS, khả năng chi trả và chiêu mộ chiến binh mới của nhóm này sẽ bị gián đoạn tạm thời.

Những diễn biến này được coi là lời cảnh báo đích đáng tới IS sau khi chúng ngang nhiên chiếm đoạt những di sản văn hóa của thế giới Ả Rập, phá hủy, trộm cắp và buôn bán cổ vật hay đánh bom liên hoàn tại các nước châu Âu khiến hàng trăm người thương vong. Tuy nhiên, đây cũng là lúc thế giới phải giương cao ngọn cờ đoàn kết và cảnh giác cao độ, bởi trong đà thất thế hiện nay, IS có thể gia tăng khủng bố ở những địa điểm khác.

Những vụ tấn công đẫm máu của IS thường được tiến hành khi nhóm này rơi vào tình thế khó khăn nhất. Trước khi vụ thảm sát Paris diễn ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố phương Tây đã thu được những thành công đáng kể trong cuộc chiến chống IS. Vụ đánh bom liên hoàn tại Bỉ xảy ra chỉ 2 ngày sau khi nghi phạm đầu sỏ vụ tấn công Paris bị bắt giữ. Trong cơn khốn quẫn hiện nay, khi lãnh thổ ở Trung Đông ngày càng bị thu hẹp, IS sẽ rơi vào tình thế hoảng loạn, buộc phải điều thêm các thành viên trở về châu Âu như một phương thức khả thi hơn để phô trương thanh thế của chúng, và đó cũng là cơ hội để các nước châu Âu tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào các mạng lưới khủng bố.

Tất nhiên, dù đã giành được những chiến thắng quan trọng trên thực địa nhưng các vụ tấn công tại Brussels cũng là lời cảnh báo tới thế giới. Đây chính là thời điểm mà phương Tây phải cảnh giác hơn bao giờ hết. Trong một cuộc họp báo tại Florida, tướng Lloyd Austin - Tư lệnh quân đội Mỹ tại Trung Đông nhận định, IS sẽ gia tăng các vụ tấn công khủng bố nhắm vào các nước châu Âu nhằm chuyển hướng chú ý trước những thất bại ngày càng lớn và liên tiếp của chúng. Bị dồn vào chân tường, IS có thể gieo rắc thêm bạo lực trước khi bị thòng lọng siết chặt vào cổ, do đó phương Tây cần phải quyết tâm duy trì áp lực lên nhóm phiến quân cả trong và ngoài nước. Nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố và sự tàn bạo của các lực lượng cực đoan đòi hỏi sự cảnh giác thường trực trong cuộc sống hàng ngày, cũng như ý chí lâu dài của chính quyền các nước trên toàn thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần