Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nguy cơ mất an toàn công trình cầu Vĩnh Thịnh

KTĐT - Để đảm bảo an toàn khi xây dựng cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng (nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), Sở GTVT đã có quyết định đình chỉ hoạt động của bến phà Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) từ ngày 5/4. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng có lệnh cấm, bến phà này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Tiềm ẩn tai nạn giao thông

Sáng ngày 22/5, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có mặt tại bến phà Đường Lâm. Theo quan sát của chúng tôi, bến phà nằm cách công trường xây dựng cầu Vĩnh Thịnh khoảng 100m về phía thượng lưu. Tại đường dẫn xuống phà, lực lượng chức năng đã cắm biển cấm các phương tiện đường thủy dừng đỗ. Tuy nhiên, trong hơn một giờ có mặt tại đây, theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 20 phút lại có một chuyến phà lớn nhỏ chở gần trăm người, hàng chục xe ô tô, xe máy qua lại, sát với công trường thi công cầu Vĩnh Thịnh. Điều đáng nói, trên mỗi phà thường xuyên qua lại, có rất ít phao cứu sinh được gắn hai bên thành phà, trong khi mỗi chuyến phà qua sông ít nhất cũng vài chục người. Với số lượng phao cứu sinh ít ỏi như vậy, nếu chẳng may xảy ra tai nạn hậu quả sẽ rất khó lường. Khi tìm cách tiếp cận với một số nhân viên của bến phà để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối cung cấp thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Hùng, Giám đốc Ban điều hành Tổng Công ty xây dựng giao thông I, đơn vị thi công cầu Vĩnh Thịnh cho biết: "Hiện tại, phà Đường Lâm chưa gây ảnh hưởng gì nhiều đến công trường xây dựng cầu Vĩnh Thịnh. Tuy nhiên, mùa mưa lũ đang đến nên không ai có thể nói trước được điều gì. Nếu chẳng may người điều khiển phà có sơ suất hoặc phà bị chết máy hay mất lái sẽ đâm ngay vào công trường". Cũng theo ông Hùng, hiện các nhà thầu thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trụ cầu để tránh lũ, với việc phải khoan nhiều móng trụ cầu dẫn đến làm thay đổi dòng chảy, nước chảy qua công trường siết hơn nên phà đi quá gần công trường rất nguy hiểm. Mỗi ngày có hàng trăm công nhân làm việc dưới lòng sông. Nếu chẳng may trong quá trình hoạt động phà chết máy tự trôi trên sông đâm vào công trường đang xây dựng thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Cần có sự thống nhất

Để tìm lời giải cho việc phà Đường Lâm dù đã bị Sở GTVT đình chỉ nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã lần lượt "gõ cửa" các đơn vị chức năng có liên quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Giang Mạnh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây cho biết: "Sau khi nhận được quyết định của Sở GTVT Hà Nội, chúng tôi đã gửi công văn sang Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc thông báo lệnh đình chỉ, cũng như yêu cầu bến phà Đường Lâm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, sau hơn một tháng Sở GTVT Vĩnh Phúc chưa có công văn trả lời và bến phà Đường Lâm vẫn ngang nhiên hoạt động". Cũng theo ông Hoàng cho biết, dù bến phà Đường Lâm nằm trên địa bàn xã, nhưng bến phà lại nằm trên Quốc lộ 2C do Tổng Cục đường bộ quản lý, xã không đủ thẩm quyền để xử lý.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Thượng úy Trịnh Trung Nghĩa, Đội phó Đội CSGT thị xã Sơn Tây cho biết: "Sau khi Sở GTVT ra quyết định đình chỉ hoạt của bến phà Đường Lâm, Công an Thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu lực lượng Công an thị xã Sơn Tây vào cuộc. Ngày 25/4, lực lượng CSGT đường bộ và đường thủy Sơn Tây đã tiến hành cắm biển cấm các phương tiện đường thủy dừng đỗ tại bến phà, đồng thời triển khai thành lập các trạm cấm đường trên đường dẫn xuống phà… Tuy nhiên, do Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Vĩnh Phúc chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đình chỉ hoạt động của bến phà Đường Lâm, nên việc cấm hoạt động chỉ được thực hiện ở đầu Sơn Tây, còn đầu ở Vĩnh Phúc không hề bị cấm. Sau gần một ngày thực hiện, chúng tôi nhận được lệnh rút khỏi bến phà Đường Lâm để hai Sở GTVT tìm ra phương án chung đảm bảo an toàn cho quá trình thi công cầu Vĩnh Thịnh".

Quyết định đình chỉ hoạt động của phà Đường Lâm là một trong những biện pháp được Sở GTVT thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho công trường thi công cầu Vĩnh Thịnh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Sở GTVT Hà Nội và Vĩnh Phúc vẫn chưa tìm ra phương án thống nhất trong việc đảm bảo an toàn cho công trường xây dựng cầu Vĩnh Thịnh. Đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần sớm đưa ra phương án thống nhất, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong việc đảm bảo an toàn, tiến độ xây dựng cầu Vĩnh Thịnh.

"Cầu Vĩnh Thịnh có chiều dài gần 4.500m, được coi là cây cầu  bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất sông Hồng hiện nay. Cầu được khởi công cuối năm 2011 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2014."

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: xe né trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 14 gây mất an toàn giao thông

Đồng Nai: xe né trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 14 gây mất an toàn giao thông

14 Jul, 11:31 AM

Kinhtedothi - Thực trạng xe cơ giới đua nhau né trạm thu phí T2 thuộc Quốc lộ 14, xã Đồng Tâm, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra nhiều năm nay. Mỗi ngày ước tính hàng trăm lượt xe né trạm ở mỗi chiều, gây thất thu lớn cho doanh nghiệp BOT, đặc biệt là nguy cơ tạo điểm nóng mất an toàn giao thông…

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ