|
Rau mầm chứa rất nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên người tiêu dùng nên cẩn trọng khi sử dụng, tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. |
Rau mầm được dùng ăn sống trong các món salad, món cuộn hoặc ăn cùng các loại bánh tráng, hải sản, thịt hoặc trong việc chế biến thành các món ăn như lẩu, xào, súp,…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau mầm chứa nhiều loại vitamin thiết yếu như vitamin B, C, E, amino axit và chất xơ cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao. Rau mầm chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao, rất hữu ích để giảm viêm, giảm nguy cơ mụn trứng cá và các vấn đề về da như ngứa hay ban đỏ. Nếu kiên trì sử dụng rau mầm trong một thời gian sẽ có làn da mịn màng và trẻ trung hơn do hạn chế các nốt viêm như mụn trứng cá hay hiện tượng bong vẩy do da bị khô.
Ngoài ra, lượng protein, vitamin, acid amin, acid béo, chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác cũng tăng lên đáng kể trong quá trình rau nảy mầm.
Vì vậy, dinh dưỡng rau mầm thường được biết đến trong top các loại siêu thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa.
Có thể gây ngộ độcBên cạnh những lợi ích trông thấy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cũng như các loại rau khác, rau mầm có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm.
Khi trồng rau mầm tại nhà, cần lưu ý đến các dụng cụ, hạt giống và nắm vững quá trình nuôi trồng.
Thứ nhất, là giá thể trồng, có thể dùng xơ dừa hoặc đất sạch, không nên dùng những giá thể chứa hóa chất độc hại. Đặc biệt lưu ý khi mua giá thể của các nhà sản xuất rau mầm. Đa phần họ sử dụng giá thể đã qua sử dụng. Nếu trong quá trình gieo trồng, họ sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, thì khi các giá thể này được xử lý lại, những chất độc vẫn không mất đi.
Thứ hai, là hạt giống, nhiều người ham rẻ nên mua hạt giống ở các chợ về trồng, hạt giống ở các chợ không có nguồn gốc rõ ràng, liệu họ có sử dụng thuốc bảo quản để giữ hạt giống lâu hư. Tốt nhất nên mua hạt giống rau mầm ở các cửa hàng uy tín và có nguồn gốc rõ ràng, hạn sử dụng.
Thứ ba, là nước tưới, nước tưới là quan trọng nhất, nếu sử dụng nước không đạt độ sạch sẽ gây ngộ độc khi ăn.
Thứ tư, lúc thu hoạch, nên cắt cách giá thể khoảng 2cm để đảm bảo không bị dính đất, xơ dừa, trước khi ăn thì nên ngâm rau mầm với nước muối để diệt vi khuẩn có hại.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Nguy cơ ngộ độc từ rau mầm chủ yếu từ cách sử dụng và chế biến của người tiêu dùng”.
Theo PGS.TS Thịnh, khả năng ngộ độc rau mầm có thể xảy ra do các yếu tố: Nguồn nước không sạch có thể chứa vi khuẩn E.Coli, gây tiêu chảy nhẹ hoặc một số bệnh về đường tiêu hóa khác. Thứ hai là do một số trường hợp sử dụng dung dịch phân đạm (nitrat) hoặc chất kích thích sinh trưởng tưới để cho lớn nhanh và chúng vẫn còn tồn đọng ở thân, lá cây, trong khi bình thường cây sẽ lớn lên nhờ chất dinh dưỡng tích lũy trong hạt. Thứ ba, do giá thể không được làm sạch, dễ bị nhiễm nấm. Điều này thường bắt nguồn từ những gia đình tự trồng rau mầm tại nhà. Thứ 4, nguyên nhân ngộ độc đến từ việc sử dụng rau mầm không đúng cách.
Nhận thức được những nguyên nhân gây ngộ độc, người tiêu dùng có thể phòng tránh và ngăn chặn những nguy cơ đó. Để ăn rau mầm không bị ngộ độc, TS Thịnh cho rằng, người tiêu dùng nên lựa chọn rau mầm ở những cơ sở uy tín. Khi lựa chọn rau mầm, nên tránh những hộp rau khác thường như mập hơn, xanh mượt mà hơn hoặc có màu sắc lạ… Ngoài ra, an toàn và tốt nhất là nên mua hạt giống rau mầm về gieo tại nhà. Khi đó, người tiêu dùng có thể kiểm soát được nguồn nước tưới, quy trình công nghệ để rau không bị nhiễm độc.