Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ nợ xấu dềnh lên

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nợ xấu đã được giảm trên báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng lại dềnh...

Kinhtedothi - Nợ xấu đã được giảm trên báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng lại dềnh lên khi dồn sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và có nguy cơ tăng lên trong bối cảnh tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng trên 19% năm 2015 và tăng trưởng tín dụng 6 tháng năm 2016 đang tăng tốc mạnh.

Tốc độ xử lý nợ xấu chậm

Từ trên 17% xác định lại vào tháng 9/2012, đến tháng 3/2016 nợ xấu chỉ còn 2,62%. Nhưng, trên thực tế đến thời điểm này, có một khoản nợ lớn các NH đang nằm tại VAMC và tốc độ xử lý số nợ này còn chậm. Tính từ khi bắt đầu hoạt động (từ 1/10/2013) đến 18/6/2016, VAMC đã mua được 24.618 khoản nợ với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 211.993 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng  mới chỉ thu hồi được 31.172 tỷ đồng. Nếu so với số nợ xấu mà công ty này đã mua thì số nợ thu hồi kia cũng chỉ đạt khoảng 13%,  số còn lại vẫn nguyên trên sổ sách của VAMC chưa kể nguy cơ nợ xấu mới phát sinh vẫn còn hiện hữu.
Giao dịch tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Giao dịch tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tính đến hết quý I, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank chỉ là 0,96% (hơn 5.300 tỷ đồng), nhưng trong đó có quá nửa là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Tại BIDV, kết thúc quý I/2016, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,8% so với mức 1,67% của thời điểm cuối năm 2015. Kết quả kiểm toán năm 2015 do Kiểm toán Nhà nước công bố cũng cho thấy dư nợ nhóm 5 tại các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank sau khi được Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh tăng lần lượt là 9,5 tỷ đồng, 35,5 tỷ đồng, 19,2 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, hoạt động của các tổ chức tài chính, NH tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý. Đơn cử, VCB cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ VCB Chi nhánh Bắc Sài Gòn, cho vay 18 khách hàng thuộc HTX Hà Quang, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh 55,4 tỷ đồng, đến 31/12/2014 chưa thu hồi được gốc, lãi 52 tỷ đồng (nợ nhóm 5). VDB Chi nhánh Lạng Sơn giải ngân trùng với Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Lạng Sơn cho CTCP Xi măng Đồng Bành 127 tỷ đồng (mới thu hồi được 5 tỷ đồng)…

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính, số nợ xấu mới phát sinh riêng trong năm 2015 là hơn 45.000 tỷ đồng. Cơ quan này dự đoán, số nợ xấu mới phát sinh năm 2016 còn cao hơn nữa.

Gian nan thu hồi nợ

Xử lý nợ xấu tình hình thực tế tại từng NH cho thấy, tiến độ này đang khá ì ạch. Theo Tổng Giám đốc một NH, có nhiều vấn đề các NH đang phải đau đầu giải quyết, ví như khúc mắc trong xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt với tài sản liên quan đến các vụ án và theo như lãnh đạo NH này, “trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu của NH đã tăng hơn 9.000 tỷ đồng và món nợ “nhảy” nhóm, khiến nợ xấu bị dồn ứ”.

Phó Tổng Giám đốc một NH TMCP kể câu chuyện vài năm trước, một khách hàng vay vốn thế chấp bằng căn nhà ở Hà Nội. Khi NH kiện ra tòa và yêu cầu thi hành án rồi bán căn nhà cho người khác để thu hồi nợ, chủ nhà quyết không di dời. “Đến thời điểm bàn giao nhà, chủ nhà cũ vẫn “nằm vạ” buộc NH phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp để thi hành án. Đổi lại, NH phải hỗ trợ chủ nhà một khoản tiền để tìm việc làm, hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ. Xử lý nợ xấu qua con đường tố tụng không đơn giản” - vị này nhận xét.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC chia sẻ, mua nợ xấu theo giá thị trường thì Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung đã cho phép VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của VAMC trong thời gian tới. Tuy nhiên, để triển khai mua nợ xấu ra thị trường còn rất nhiều những vấn đề kèm theo liên quan đến tính pháp lý, xử lý như thế nào những khoản nợ xấu dưới giá ra làm sao và bên cạnh đó phải có thị trường mua bán nợ. Hiện nay trên thị trường chỉ có mỗi DATC, VAMC và các tổ chức tín dụng, như vậy người tham gia vào mua bán nợ cũng không có nhiều ngoài các tổ chức tín dụng, vì vậy nên việc xử lý, bán lại các khoản nợ đó rất khó khăn.

Với những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, những bất cập về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm chậm được tháo gỡ, sản xuất - kinh doanh và thị trường bất động sản phục hồi chậm, năng lực của VAMC còn hạn chế…, nợ xấu vẫn là mối đe dọa, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sớm hình thành thị trường mua bán nợ

Nguy cơ nợ xấu dềnh lên - Ảnh 1Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Trần Du Lịch cho rằng, nợ xấu làm chi phí của NH khó kéo xuống. Cho nên về cơ bản phải xử lý nợ xấu để lãi suất giảm mà không phải tăng quá nhiều tổng phương tiện thanh toán. Và muốn đẩy nhanh quá trình này cần phải hình thành được thị trường mua bán nợ.

Ông đánh giá sao về quá trình xử lý nợ xấu hiện nay?

- Hiệu quả của việc xử lý nợ xấu là phải chuyển đổi nó thành tiền và trả lại cho các NH để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ trên hay dưới 3% đề ra không quan trọng mà vấn đề cốt yếu là “cục nợ xấu” đang nằm ở VAMC có xử lý được không. Tính đến nay, tổng số nợ xấu VAMC xử lý được còn khiêm tốn, muốn đẩy nhanh quá trình này cần phải hình thành được thị trường mua bán nợ là tiền đề để thúc đẩy tốc độ xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước đã cởi trói để VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường (QĐ số 618/2016) trong đó nới rộng VAMC được hợp vốn với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mua nợ xấu nhưng nay vẫn vướng mắc là sao, thưa ông?

- Muốn mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường buộc phải chấp nhận lỗ, không thể bán bằng giá gốc vì bản chất nợ xấu là nợ khó đòi. Phần lỗ này được chia sẻ là NH chịu mất và DN vay khi bán tài sản cũng mất. Chẳng hạn, trước đây định giá tài sản 100 đồng, NH cho vay 70 đồng, nhưng hiện bán nợ xấu chỉ 50 đồng, như vậy bản thân DN đã mất phần giá của họ và NH cũng phải chịu mất. Đổi lại, việc mua bán nợ này có lợi thế tốt là xử lý một cách dứt khoát, làm sạch bảng cân đối kế toán. Còn hành lang pháp lý để bảo vệ VAMC trong quá trình xử lý nợ chưa thực sự bảo đảm và có những khoảng trống.

Vậy làm thế nào để “cởi trói” cơ chế xử lý tài sản bảo đảm?

- Muốn xử lý nhanh nợ xấu chúng ta phải trả lời được câu hỏi liệu người mua có toàn quyền đối với khoản nợ, tài sản bảo đảm đó không? Có thể theo hướng quy định VAMC có nghĩa vụ thông báo cho chủ sở hữu tài sản để chủ sở hữu tài sản liên hệ với VAMC nhằm thỏa thuận giá bán khởi điểm. Hết thời gian thông báo thì VAMC toàn quyền thuê công ty định giá độc lập để thẩm định giá tài sản bảo đảm và đưa ra bán đấu giá công khai theo quy định nhằm thu hồi nợ xấu. Như vậy VAMC mới có thể giải quyết nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra nếu không có sự vào cuộc tích cực phối hợp với NH của các cấp, các ngành sẽ rất khó khăn cho các NH trong thu hồi tài sản đặc biệt.

Ông đánh giá sao về nguy cơ nợ xấu hiện nay? Theo ông cần giải quyết nợ xấu thế nào?

- Tôi cho rằng, việc cần giải quyết hiện nay là làm sao để hình thành được thị trường mua bán nợ. Từ đó, có những giải pháp tốt hơn trong việc thanh lý tài sản đảm bảo, mở hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ thì mới kỳ vọng xử lý nợ xấu thành công. Vấn đề còn lại là việc bán nợ của VAMC, cần gia tăng quyền cho định chế này trong xử lý hành chính thì việc xử lý nợ xấu mới có thể triệt để, thay vì chỉ có thể chuyển đổi nợ xấu như hiện nay. Và trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự có bước nhảy đột phá và nợ xấu vẫn còn nguyên đó về bản chất, cần kiểm soát tốt dư nợ tín dụng cho vay để không làm tăng thêm quy mô nợ xấu trong bối cảnh tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng trên 19% năm 2015. Song song với việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, các NH cần nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống quản trị rủi ro và giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng để hạn chế phát sinh nợ xấu...

Xin cảm ơn ông!
Nguyên Anh thực hiện