Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ tấn công khủng bố ở châu Âu lớn đến mức nào?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền an ninh lục địa già đang bị thách thức nghiêm trọng bởi nguy cơ tấn công khủng bố, đặc biệt là từ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Ngày 11/3, Tây Ban Nha và liên minh châu Âu đã tổ chức lễ tưởng niệm 192 nạn nhân trong vụ đánh bom tàu hỏa tại Thủ đô Marid cách đây đúng 20 năm trước, sự kiện khởi đầu cho hàng loạt các vụ tấn công khủng bố Hồi giáo ở châu Âu.

Theo kết quả điều ra, vụ tấn công trên được thực hiện bởi một nhóm Hồi giáo cực đoan tại Tây Ban Nha do phẫn nộ trước việc chính phủ nước này ủng hộ Mỹ cũng như tham chiến tại chiến trường Iraq. Thủ phạm đã đặt các túi đựng chất nổ trên bốn chuyến tàu chở khách và cho nổ trong thời gian cao điểm sáng 11/3.

Hậu quả sau vụ tấn công tàu hỏa tại Madrid vào ngày 11/3/2004. Ảnh: Euronews
Hậu quả sau vụ tấn công tàu hỏa tại Madrid vào ngày 11/3/2004. Ảnh: Euronews

Sau sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vào năm 2019 cũng như số vụ tấn công giảm xuống đáng kể, công chúng và giới chuyên gia cho rằng các thế lực khủng bố đang dần suy yếu. Tuy nhiên, trái ngược với những nhận định trên, nguy cơ khủng bố ở châu Âu đang ngày càng gia tăng.

Đầu tháng 3/2023, cảnh sát Ý đã bắt giữ ba kẻ được cho là đang lên kế hoạch thực hiện một vụ tấn công khủng bố. Các nghi phạm đã thành lập một chi nhánh liên kết với Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqsa, một tổ chức khủng bố Hồi giáo có trụ sở tại Palestine.

Vào tháng 12/2023, các thành viên phiến quân Hamas đã bị bắt ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan do bị nghi ngờ có liên quan đến một cuộc tấn công nhằm vào người Do Thái trên khắp châu Âu.

Đại sứ Bosnia và Herzegovina (BiH) tại Liên Hợp quốc, Bojan Vujic, gần đây thừa nhận làn sóng các chiến binh thánh chiến từ bên ngoài tràn vào đang đe dọa nghiêm trọng nền an ninh của đất nước này, tiết lộ có khoảng 20 nhóm thánh chiến đang hoạt động tại đây.

Đức, Pháp và Anh là những quốc gia chịu ảnh hưởng từ nạn khủng bố nhiều nhất châu Âu –theo chỉ số khủng bố toàn cầu. Trong khi đó, Hungary, Bulgaria và Cộng hòa Séc là những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất trong khu vực.

Đặc biệt, nền an ninh của Pháp luôn bị đe dọa bởi các vụ khủng bố. Trong khoảng thời gian từ 18-29/10/2023, cảnh sát đã ghi nhận 70 vụ dọa đánh bom tại các sân bay ở đất nước này. 

Những địa điểm du lịch đã buộc phải dừng hoạt động, điển hình là việc cung điện Versailles đã phải đóng cửa 7 lần trong vòng 8 ngày do cảnh báo có bom.

Đức cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ khủng bố. Cũng vào tháng 10/2023, ít nhất 11 trường học ở các TP Augsburg, Regensburg và Cham (bang Bayern), Karlsruhe và Mannheim (bang Baden Wurttemberg), Solingen và Wuppertal (bang Nordrhein Westfalen), … lần lượt nhận được lời đe dọa đánh bom. Nguy cơ khủng bố cũng lan rộng tại nhiều quốc gia trong khối.

Trước những mối đe dọa từ khủng bố, các thành viên EU đang lên kế hoạch hành động. Tháng 10/2023, Pháp, Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan đã lên kế hoạch chung nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố lan rộng. EU cũng đã phát động chiến dịch quy mô lớn, với sự phối hợp của nhiều quốc gia trong việc phát hiện và truy quét các nhóm khủng bố.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng EU vẫn cần phải duy trì tính cảnh giác khi mối đe dọa từ khủng bố vẫn hiện hữu. Một số nước EU thuộc Schengen (khu vực gồm 27 quốc gia châu Âu mà công dân nội khối không cần sử dụng hộ chiếu khi qua biên giới) đã tăng cường kiếm soát biên giới trong bối cảnh các luồng di cư bất hợp pháp, khủng bố, và bạo lực gia tăng.