Nguy cơ tăng tai nạn trên các tuyến cao tốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai tuyến cao tốc khu vực phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương và Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây chết người.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương hơn 5 năm đưa vào vận hành, đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết nhiều người đều liên quan đến việc không chấp hành các quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn của người cầm lái. Nguy cơ tiềm ẩn gia tăng các vụ tai nạn trên hai tuyến cao tốc này là rất cao, mà theo Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh phần lớn nguyên nhân là do ý thức chấp hành luật của người cầm lái rất kém. 

Ý thức chấp hành Luật Giao thông kém 

Chỉ cần vào Google tìm từ khóa “tai nạn giao thông trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương” trong vòng 0,60 giây đã cho 729.000 kết quả. Qua đây đủ thấy mức độ cần cảnh báo nguy cơ tai nạn trên tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước này. 

Để tìm hiểu sự chấp hành Luật Giao thông đường bộ trên cao tốc này, chúng tôi đã xin đi nhờ xe một người bạn làm nghề tài xế chở thuê cho các thương lái gạo ở Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ. 

 
Hiện trường vụ va chạm trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Trung Lương giữa xe khách và 2 xe tải khiến 1 người chết, 9 người bị thương vào ngày 28/3 vừa qua. Ảnh: TTXVN
Hiện trường vụ va chạm trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Trung Lương giữa xe khách và 2 xe tải khiến 1 người chết, 9 người bị thương vào ngày 28/3 vừa qua. Ảnh: TTXVN

Mới 6h30 sáng, đường dẫn vào cao tốc này đã rất đông xe nối đuôi nhau qua trạm thu phí. Vừa qua trạm thu phí phía đầu Thành phố Hồ Chí Minh, chiếc xe tải 8 tấn của chúng tôi bỗng chồm lên vì cái nhấn ga của anh bạn cầm lái. Tôi ngồi cạnh bên hỏi sao anh đạp ga thốc thế, anh bạn nhoẻn miệng cười nói: “Phải tăng tốc không mấy cái xe đi sau sẽ bóp còi inh ỏi”. Tôi hơi ngạc nhiên, vì cao tốc này có hai làn xe dành cho xe tải và xe hơi, xe chở khách, vậy cớ gì mấy xe đi khác làn lại bóp còi xin vượt? Rất nhiều thắc mắc của tôi được anh bạn tài xế giải thích, rằng trên cao tốc có đầy đủ biển báo, biển chỉ dẫn, camera giám sát nhưng rất ít phương tiện chấp hành. Họ thường canh khi vừa qua đoạn có camera giám sát là bắt đầu tăng tốc, xin vượt trái, vượt phải đánh võng trên đường. “Nếu xe của mình cứ giữ đúng khoảng cách an toàn, cũng như tốc độ cho phép, chắc chắn bị rất nhiều cái nhìn khinh thường”, anh bạn tài xế giải thích. 

Quả đúng như lời người bạn cầm lái, cả tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương dài gần 62km, nhưng phần lớn các xe du lịch, xe chở khách dưới 45 chỗ ngồi đều vi phạm về khoảng cách an toàn, đánh võng chuyển làn không có báo hiệu xi nhan cho xe khác biết, thậm chí chạy ở tốc độ cao dí sát đuôi xe đi trước để chờ cơ hội vượt... Chứng kiến những cảnh đó mới biết sự thiếu ý thức chấp hành Luật của người điều khiển phương tiện. Hậu quả là rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, mà gần đây nhất là vụ tai nạn làm 5 người chết trên xe khách 16 chỗ ngồi xảy ra hồi tháng 7/2014, thuộc địa phận huyện Bến Lức tỉnh Long An. Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2015 trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương đã xảy ra 4 vụ tai nạn, làm 3 người chết và hàng chục người bị thương. 

Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được xem là an toàn nhất, bởi từ khi đưa vào vận hành (từ đầu năm 2014 đến tháng 4/2015) chưa xảy ra vụ tai nạn nào. Thế nhưng, từ dịp lễ 30/4 đến nay, trên tuyến cao tốc này cũng đã liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn, trong đó vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 7/5, làm 4 người bị thương. 

Tăng cường xử phạt để hạn chế tai nạn 

Theo ông Phạm Đăng Đức, Phó Trưởng phòng Tuần tra nghiệp vụ, Đội trưởng Cảnh sát giao thông số 6 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, phần lớn các vụ tai nạn vừa qua trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đều có nguyên nhân là do lỗi chủ quan của người cầm lái như: xe không bảo đảm kỹ thuật về lốp, lưu thông không giữ đúng khoảng cách, chuyển làn nhưng không bật đèn xi nhan xin đường, hoặc đoạn đường không được phép chuyển làn mà vẫn cố tình chuyển… 

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) bức xúc nói: "Rất nhiều trường hợp lái xe đi trên đường cao tốc mà như đi trên quốc lộ. Có xe đang chạy, lái xe vội vàng tấp vào làn dừng khẩn cấp chỉ để chụp ảnh vì thấy cảnh đẹp. Nhiều trường hợp xe qua cầu Long Thành theo quy định là không được vượt nhưng vẫn cố tình vượt nhau, gây ra tai nạn". 

Đối với những trường hợp kể trên, theo ông Phạm Đăng Đức, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải tăng cường tuần tra xử lý, kể cả xử phạt nguội các hành vi vi phạm giao thông qua camera giám sát. Bên cạnh đó, cũng rất cần có sự phối hợp của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người cầm lái ô tô. 

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Các tuyến cao tốc nói chung, trong đó cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầy Giây và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương đều có quy định rõ ràng về khoảng cách an toàn từng đoạn đường khác nhau giữa các phương tiện, thấp nhất là 50 mét tùy thuộc vào tốc độ tối đa cho phép. Việc chạy tốc độ cao mà không đảm bảo khoảng cách an toàn là hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người khác, nên cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm để hạn chế tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần