Tử vong sau khi ăn tiết canh lợn
Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết, trên địa bàn huyện đã xảy ra vụ ngộ độc dẫn đến một người phụ nữ tử vong, nghi do ăn tiết canh lợn có nguồn gốc từ một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã Thụy Dân.
Qua xác minh ban đầu, ngày 8/10, sau khi mua tiết lợn của một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã để đánh tiết canh ăn trưa, đến chiều cùng ngày 4 người cùng ăn tại một gia đình có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Đến sáng 9/10, có 3 người phải nhập viện điều trị, một trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà.
Trong 3 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, người phụ nữ đã tử vong với chẩn đoán ban đầu là do sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn, 2 trường hợp còn lại đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, cùng sử dụng nguồn tiết lợn tại cơ sở giết mổ còn có 5 người khác. Cụ thể, có 1 người phải nhập viện do rối loạn tiêu hóa, các trường hợp còn lại không có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh và đang chờ kết quả.
Theo Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bệnh Liên cầu lợn có thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Người mắc bệnh có các biểu hiện lâm sàng như: Sốt cao, nôn, đau mỏi khắp người, trên da có xuất huyết nhiều mảng mầu thâm đen.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: Sốt, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não.
Nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời người bệnh sẽ nặng hơn kèm các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.
Đối với những bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng đã cấp cứu thành công một ca sốc phản vệ độ II nghi do ăn lòng lợn, tiết canh. Đó là nam bệnh nhân, 51 tuổi, ở xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), nhập viện trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ; tức ngực; khó thở; huyết áp đo được 150/90mm Hg; mạch nhanh, chỉ số Sp02 là 92%.
Trước khi vào viện khoảng 1 giờ bệnh nhân đã ăn lòng lợn, tiết canh. Bệnh nhân này tiền sử khoẻ mạnh, không có dị ứng. Tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ của Trung tâm đã tiến hành cấp cứu xử trí phản vệ khẩn cấp theo phác đồ. Nhờ đó, sau 1 giờ được cấp cứu tích cực, bệnh nhân dần có tiến triển tốt, dấu hiệu mẩn đỏ trên da dịu lại, đỡ khó thở, tức ngực, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, oxy trong máu được đưa về mức ổn định. Sau 3 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP đã ghi nhận 15 trường hợp mắc liên cầu lợn, 2 trường hợp tử vong tại huyện Ba Vì và Thanh Xuân.
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 12 trường hợp, tử vong tăng 2 trường hợp. Trong đó 8/15 (chiếm 53,3%) trường hợp mắc có yếu tố dịch tễ liên quan trực tiếp đến lợn (tham gia giết mổ, ăn lòng lợn, tiết canh, làm nghề bán thịt lợn).
Phòng tránh bệnh liên cầu lợn
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh liên cầu lợn có diễn biến rất nhanh chóng, có thể gây 2 thể: Thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng.
Chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như: Điếc tai, ngón tay phải cắt cụt...
Theo chuyên gia, không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, nuôi hay tham gia giết mổ mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết mà không có phương tiện phòng hộ phù hợp cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da.
Do đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề… Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định.
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, liên cầu khuẩn lợn (vi khuẩn Streptococcus suis) là loại vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên như mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Vi khuẩn này có khả năng gây bệnh cho lợn và người.
Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn người dân cần, Cục ATTP khuyến cáo, các đơn vị, địa phương tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết và chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn.
Người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Người dân tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo trên 700C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Người dân phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.