Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hại ngộ độc cồn công nghiệp chứa methanol

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) có chiều hướng gia tăng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người tiêu dùng hãy nói không với các sản phẩm rượu không bảo đảm an toàn.

Liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu
Ngày 13/11, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định cho biết, BV cấp cứu thành công một bệnh nhân nam, 56 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh, bị ngộ độc methanol nguy kịch. Theo người nhà, bệnh nhân ngủ li bì 2 ngày trước khi nhập viện. Sáng ngày nhập viện, bệnh nhân than nhìn mờ, nặng ngực nên được đưa đi cấp cứu tại BV gần nhà và được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định, trong tình trạng rối loạn nhịp tim, mạch nhanh, huyết áp khó đo phải tiến hành đặt nội khí quản. Ngay sau khi khai thác bệnh sử và làm thêm các xét nghiệm, bác sĩ cấp cứu đã nghĩ ngay đến nguyên nhân ngộ độc methanol.
 Nam bệnh nhân (TP Hồ Chí Minh) may mắn vượt cửa tử sau khi rơi vào tình trạng nhiễm độc nặng. Ảnh: BV Nhân dân Gia Định
Tại BV, người bệnh đã được xử trí cấp cứu, loại bỏ độc chất và sử dụng chất đối kháng đặc hiệu là ethanol. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân 199,22 mg/dL (chỉ số nồng độ rất cao, bình thường chỉ số là 0). Người bệnh được truyền ethanol vào dạ dày để ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc đồng thời được lọc máu cấp cứu 2 lần.

Theo TS Huỳnh Văn Ân - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc của BV Nhân dân Gia Định, bệnh nhân ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì do tình trạng toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt.

Trước đó, kể từ ngày 1/10 bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh, BV Nguyễn Tri Phương liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol. Nam bệnh nhân N.V.T. (sinh năm 1963, Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Qua khai thác bệnh sử, người làm chung với bệnh nhân cho biết tối trước khi nhập viện, bệnh nhân có mua và uống rượu đế ở tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà. Đến 3 giờ sáng hôm sau, bệnh nhân bắt đầu nói sảng, than chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ.

Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, chỉ trong tuần đầu tháng 10, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, 3 ca xin về vì tiên lượng nặng. Chỉ tính riêng ngày 7/10, có 4 ca nhập viện vì ngộ độc methanol, chủ yếu ở huyện Bình Chánh. Trong số này, có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, rối loạn cân bằng nước, điện giải, nhìn mờ, suy gan, suy thận, tăng đường huyết, phải hồi sức tích cực.

Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu

TS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc, BV Thống Nhất cho biết, rượu cồn công nghiệp chứa methanol khi uống vào gây tổn hại nhiều đến tim mạch, hệ hô hấp, gây suy thận cấp, não, trụy mạch, co thắt võng mạc làm mù mắt và nhiều biến chứng nguy hiểm khác... Nếu nồng độ methanol trong máu trên 50mg/dL có thể gây ngộ độc và nồng độ cao hơn dễ dẫn đến tử vong.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết thêm, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần) trôi nổi ngoài thị trường. Vì lợi nhuận, người sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu. Điều đáng nói, người uống phải rượu giả không biết mình bị ngộ độc methanol và nghĩ rằng bị say rượu. Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Mặt dù được điều trị tích cực, song tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30 - 50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan... Nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều người nghĩ rằng, say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng.

“Người sau khi uống rượu có những biểu hiện bất thường, như: Bất tỉnh, co giật, không thể ngồi dậy, da lạnh toát, tím tái, thở khò khè… thì phải cấp cứu tại chỗ và được gọi xe cấp cứu. Nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể ăn uống, thì nên cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết, đồng thời cho uống nhiều nước bù điện giải để tránh tình trạng mất nước. Nếu thấy bệnh nhân có những dấu hiệu mệt mỏi, co giật, lạnh toát, tím tái, thở khò khè, đau đầu hay mê man, loạn nhịp... thì người nhà cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời” - bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Cục ATTP, Bộ Y tế, khuyến cáo, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong. Người dân cũng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.