Có thể tử vong
Bé H.T.L (4 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) từ khi sinh ra đến nay hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng lúc 10 giờ đêm ngày 2/6 vừa qua bỗng nhiên có triệu chứng li bì, khó thở, được người nhà đưa vào Bệnh viện (BV) Nông nghiệp cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim (nhịp chậm và có nguy cơ ngừng tim).
|
Bác sĩ Trương Văn Quý - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đang khám cho bệnh nhân M. |
Theo lời người nhà, trước đó 1 ngày, cháu bị sốt, bỏ ăn, nôn nhiều. Nhận định ban đầu của bác sĩ trực cấp cứu thì đó là biểu hiện suy tim, suy hô hấp. Tình trạng này diễn biến nhanh và có nguy cơ đe dọa tính mạng. Khi được chuyển đến BV Bạch Mai, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh chóng và xác định là khả năng bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp tim và suy hô hấp. Bệnh nhi ngay lập tức được đặt nội khí quản, thở máy, dùng các thuốc trợ tim. Trong 2 ngày đầu điều trị, bệnh nhi tiếp tục diễn biến nặng lên, phải thở máy, tình trạng suy tim tăng. Sau 4 ngày, bệnh nhi đã cai được máy thở. Đến ngày 8/6, cháu đã tỉnh táo, có thể nói chuyện được. Sau 10 ngày điều trị, cháu L. đã hoàn toàn khỏe mạnh và được các bác sĩ cho xuất viện.
Còn tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng Cần Thơ, mới đây đã tiếp nhận bé Lê Trần X.Y, 9 tuổi, ở Hậu Giang. Sau 3 ngày với triệu chứng sốt nhẹ, sổ mũi, nôn 2 - 3 lần/ngày, bé được người nhà đưa đến BV trong tình trạng mệt lả, đau ngực, nôn ói nhiều, lơ mơ. Sau khi thăm khám và xét nghiệm, bé được chẩn đoán: sốc tim trên bệnh viêm cơ tim cấp. Các bác sĩ của BV đã tích cực điều trị cho bệnh nhi, tuy nhiên do bệnh quá nặng, dù đã được chuyển tuyến lên BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh để đặt máy tạo nhịp tim và tiếp tục điều trị, nhưng bệnh nhi đã tử vong.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thờiTheo các bác sĩ, viêm cơ tim là một tiến trình thâm nhiễm tế bào viêm ở cơ tim, kèm theo hoại tử và (hoặc) thoái hóa tế bào cơ tim lân cận. Nguyên nhân đa số là do nhiễm siêu vi như Enteroviruses, Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi… số ít hơn có thể do nhiễm trùng, nhiễm độc, sarcoidosis, và mốt số viêm cơ tim không tìm thấy nguyên nhân. Trường hợp bệnh nhẹ có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng. Nhưng một số trường hợp bệnh rất nặng, tỉ lệ tử vong rất cao và nếu trẻ sống sót thì có thể bị các di chứng nặng như bệnh cơ tim giãn nở, trẻ sẽ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp về sau.
Bác sĩ Trương Văn Quý - Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, ở trẻ em, các biểu hiện của viêm cơ tim thường không đặc hiệu như trẻ mệt nhiều, không chịu chơi, nôn trớ, bỏ bú hoặc bú kém và bị các triệu chứng của bệnh lý khác che mờ như biểu hiện khó thở và suy hô hấp. Do đó, nếu không có sự thăm khám toàn diện và không nghĩ đến viêm cơ tim thì dễ bỏ sót chẩn đoán và có quyết định điều trị không chính xác ngay từ đầu.
Bác sĩ Quý khuyến cáo, để kịp thời phát hiện viêm cơ tim, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám khi có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá (nôn ói, tiêu chảy)... Đối với trẻ nhỏ, có thể chỉ có các triệu chứng bỏ bú hoặc bú kém, ngủ li bì khó đánh thức, hay rên rỉ, quấy khóc… Nếu trẻ có các biểu hiện như: tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt, mạch nhẹ hoặc không bắt được (là các dấu hiệu nặng) thì phải cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Để phòng bệnh, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang bị nhiễm siêu vi, vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt, dạy trẻ tuân thủ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, Cho trẻ ăn chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi hợp lí, tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ, đúng lịch, nhất là các bệnh bạch hầu, cúm, Rubella, quai bị…, những việc này hạn chế đáng kể khả năng mắc bệnh viêm cơ tim ở trẻ.