Nguyễn Duy - đằng đẵng sau nét hồn nhiên

Bài, ảnh: Nhật Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những triển lãm thơ đình đám trong giới mộ điệu, tháng 6 này tác giả của những vần lục bát trên mẹt lại làm nức lòng người yêu thơ khi cho ra mắt 3 tác phẩm: 2 tập thơ "Quê nhà ở phía ngôi sao", "Tuyển thơ lục bát" và 1 tập ký "Ghi và nhớ".

Phố sách 19/12 ngày cuối tuần (tối 18/6) như lắng lại giữa nỗi nhớ đằng đẵng, hồn nhiên mà tình tứ khi Nguyễn Duy tỏ bày nỗi niềm “Làng ta ở tận làng ta”.

Vẫn là thi sĩ “thảo dân”

Vẫn cái phong thái chất phác tưởng như... chẳng liên quan gì đến thi ca, Nguyễn Duy bảo, trong suốt cuộc đời thơ của mình, ông đã rong ruổi nhiều nơi, đi và viết. Những cảnh và người ông gặp đã tích cóp thành tài sản văn chương của riêng ông.

Nhà thơ Nguyễn Duy giao lưu với độc giả tại Phố sách, tối 18/6.

Quả không sai, cái tài sản đồ sộ ông tích cóp từ những chuyến đi ấy đã biến hóa một phần vào tập ký "Ghi và nhớ". Gói trong chữ nghĩa "rất Nguyễn Duy", văn phong thảnh thơi đến nhàn tảng là sự tái hiện sinh động đời sống xã hội, đặc biệt là ở các nước Đông Âu trong buổi giao thời với những trớ trêu từ biến động lịch sử. Người ta có thể nhận ra từ "Đông Âu du ký", "Vừa đi vừa đếm bước", "Gập ghềnh giấy" - 3 phần của tập ký - khuôn mặt đời thường cùng nỗi nhớ đằng đẵng của những người Việt xa xứ giữa nơi đất khách quê người.

Đúng như nhận định của các bạn văn, Nguyễn Duy dù thử sức ở thể loại nào vẫn giữ cho mình tâm thế của một thi sĩ thảo dân, luôn gắn bó để hiểu đến chân tơ kẽ tóc đời sống thuần phác, chân phương. Hình như ông đã cố giấu đi nét mơ mộng vốn có, cố ghìm xúc cảm để giữ mình trong thể loại ký sự. Nhưng rõ là thi sĩ thảo dân không giấu được một hồn thơ "nặng nợ" với quê hương. Và ông cũng thêm một lần khẳng định, văn chương không cần quá dụng công để tạo ra hiệu ứng khác lạ, cứ bộc trực, nhắm thẳng vào cảm xúc người đọc là đủ. Cũng như ông, luôn là thi sĩ thảo dân trong mọi hoàn cảnh, mà vẫn tình tứ và cuốn hút người đọc không ngừng.

Bình thản giữa hối hả nhịp đời

Nguyễn Duy là thế, luôn khiến người đối diện cảm nhận được nét bình thản, hồn nhiên giữa xô bồ nhịp sống đương đại: "Cứ chìm nổi giữa đám đông/Ta luôn xác định ta không là gì". Ngay trong 3 tác phẩm ông vừa cho ra mắt, và ngay trên sân khấu buổi giao lưu "Làng ta ở tận làng ta" tối 18/6, sự bình thản đáng quý ấy vẫn giữ nguyên phong độ. Không thế thì sao ông có thể tìm ra những góc khuất mới mẻ để khắc họa thêm bức chân dung của những văn nghệ sĩ tưởng đã quá quen thuộc như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Văn Cừ... Không thế thì sao ông có thể có một đoản thiên sử ký ở cuối tập ký "Ghi và nhớ" - cuộc hành trình đi tìm lại dấu xưa của những vị vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Đó là thứ nghệ thuật của ký ức, mà nếu không bình thản gạt sang một bên sự thúc dục của nhịp sống, thì không thể suy tư và ghi lại được.

Và có vẻ như 2 tập thơ "Quê nhà ở phía ngôi sao", "Tuyển thơ lục bát" tập hợp những vần thơ làm nên tên tuổi Nguyễn Duy đã bổ sung cho thêm nét bình thản, tình tứ mà ông chưa bộc lộ hết ở "Ghi và nhớ". Lại bắt gặp những vần thơ quen thuộc như một thuở thơ viết trên mẹt, thúng, mủng, những chữ nghĩa nhẹ nhàng nhưng thanh cao và như có nhạc điệu: "Chân nhang lấm láp tro tàn/xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào", "Dịu dàng vang tiếng mắt cười/bỏ qua sấm chớp một thời xa xăm"...

Lục bát gắn với tên Nguyễn Duy, dù ông không cố tình buộc chặt mình trong giới hạn của lục bát. Có những lúc ông đã thoát khỏi địa hạt lục bát, để trong lành đón nhận yêu thương: "Anh vặt trăng sao rịt lành vết thương/thấm giọng giọt sương nước mắt em long lanh mảnh vỡ/và bắt chước lá cây bình thản hát mỗi lúc gặp gió"... Ông đã thoát khỏi địa hạt của lục bát để viết về làng quê, chiến trường, bom đạn và những phận người... Thật thà đến độ chân phương, khiến người nghe cứ rưng rưng xúc động. Vậy là người ta càng cảm nhận được sự hồn nhiên và đa tài của ông.

Nguyễn Duy nói rất thật, ông yêu sự bình thản. Đúng vậy, người của thơ văn sẽ chạm được tới tận cùng mạch nguồn cảm xúc khi bình thản được giữa hối hả nhịp đời. Để rồi từ đó, người đọc được "lây" cảm nhận bình thản ấy, "lây" sự bình dị đáng quý, nỗi nhớ cần có của một thảo dân giữa đời thường náo nhiệt.

Nguyễn Duy cho người ta thấy, văn của ông cũng như thơ vậy, không màu mè mà chân thật như chính cuộc sống này - sức mạnh của ký sự vì thế lại càng thêm điểm nhấn.