Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt không đồng ý thiệt hại như cáo trạng quy kết

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên tòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh dù thừa nhận cáo trạng truy tố mình là không oan, nhưng không chấp nhận số tiền thiệt hại như cáo trạng quy kết.

Ngày 29/11, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Mắt đối với 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ bệnh viện.

Trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Minh Khải (SN 1972, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt) thừa nhận cáo trạng truy tố mình là không oan, nhưng bị cáo không đồng ý phần thiệt hại mà cáo trạng quy kết hơn 14,2 tỷ đồng, do sai phạm đấu thầu. Bị cáo Khải cũng không đồng ý việc quy kết Bệnh viện Mắt là bị hại, vì thực tế bệnh viện không có thiệt hại.

Bị cáo Nguyễn Minh Khải tại phiên xét xử
Bị cáo Nguyễn Minh Khải tại phiên xét xử

Cáo trạng quy kết bị cáo Khải can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu mua sắm thủy tinh thể cho Bệnh viện Mắt vào năm 2018. Cụ thể, thời điểm đó ông Khải chỉ đạo bổ sung tiêu chí số 7 là “Ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu” trên hồ sơ mời thầu. Thời điểm đó, nếu 1 trong 7 tiêu chí không đạt, thì công ty dự thầu sẽ không được tham gia đấu thầu.

Năm 2018, có Công ty Codupha, Công ty Tâm Hợp và Công ty Hào Tín tham gia đấu thầu mua 14.800 thủy tinh thể với giá gần 50 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Khải đã ký quyết định thành lập Hội đồng gồm 13 thành viên và đã can thiệp loại Công ty Codupha ra khỏi danh sách để Công ty Hào Tín, Công ty Tâm Hợp trúng thầu.

Tại tòa, HĐXX hỏi sản phẩm của Công ty Hào Tín và Công ty Tâm Hợp tốt hơn Công ty Codupha ở tiêu chí nào? Bị cáo Khải khẳng định đó là các tiêu chí: Sáng mắt, chống chói, chống tia cực tím, tinh khiết hơn, an toàn cho bệnh nhân…

“Trong các tiêu chí, Công ty Codupha chỉ đạt chống tia UV, các sản phẩm của Công ty Hào Tín và Công Tâm Hợp tiêu chuẩn tốt hơn, vì mua của Công ty Carl Zeiss (Đức). Việc lập Hội đồng 13 thành viên đều là các bác sĩ có kinh nghiệm, có chuyên môn của bệnh viện là ý chí chủ quan của bị cáo, nhưng cũng nhằm mục đích lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho bệnh nhân. Vì thủy tinh thể cấy vào mắt người sẽ sử dụng rất lâu” - bị cáo Khải nói.

Bị cáo Khải cũng khai khi thẩm định lần 1, Hội đồng đã thẩm định hàng mẫu không khách quan. Công ty Codupha chỉ có 1 sản phẩm nhưng tham gia nhiều thành phần thầu (tổng cộng 32 thành phần). Ở những thành phần thầu khác, loại thủy tinh thể này sẽ đáp ứng được tính năng, chức năng và cấu hình lẫn kinh tế của bệnh nhân khó khăn. Do đó, ở lần 1 dù Công ty Codupha đạt nhưng cần phải công bằng cho các đơn vị tham gia đấu thầu nên phải chấm lại.

“Kết quả chấm lần 2 là khách quan, thủy tinh thể của Công ty Codupha thường xuyên bị trầy xước, kém chất lượng như loại thủy tinh thể đã trúng thầu trước đó. Trong khi người Việt lại dễ dãi khi thị lực đã đạt mong muốn và không đòi hỏi thêm những chức năng khác. Khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ biết các chức năng khác không đạt, nhưng không ai nói cho bệnh nhân, vẫn âm thầm điều trị vì trách nhiệm lúc này của bác sĩ điều trị, không phải của nơi bán thủy tinh thể” - bị cáo Khải khẳng định.

Sau khi nghe bị cáo Khải trình bày, HĐXX cho rằng không có cơ sở khoa học. Theo HĐXX về nguyên tắc đấu thầu, các sản phẩm tương đương nhau về tính năng, kỹ thuật, phải lựa chọn sản phẩm có giá rẻ hơn để người bệnh giảm được chi phí (từ vài chục nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng). Tuy nhiên, bị cáo Khải cho rằng trong thực tế đã có nhiều bác sĩ phản ánh sản phẩm của Công ty Codupha không đảm bảo chất lượng, nhưng vẫn không bị lập biên bản.

Còn bị cáo Võ Thị Chinh Nga (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt, tổ trưởng tổ chuyên gia) khai, tổ chuyên gia đánh hồ sơ kỹ thuật của các nhà thầu là căn cứ vào đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu. Trong 7 tiêu chí theo hồ sơ dự thầu, nhà thầu Codupha đạt 6 tiêu chí nhưng khi tổng hợp kết quả, Hội đồng đánh giá hàng mẫu chấm không đạt nên loại Công ty Codupha.

Tương tự, bị cáo Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt) cho rằng, cáo trạng xác định thiệt hại thuộc về người bệnh là không thỏa đáng. Cũng chính vì những sự không thỏa đáng và không đồng ý với thiệt hại của quyết định giám định trong hồ sơ vụ án, nên tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Khải nói chưa khắc phục hậu quả.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/12 sẽ tuyên án.

 

8 bị cáo trong vụ án, gồm: Nguyễn Minh Khải (nguyên Giám đốc); Phí Duy Tiến, Nguyễn Trí Dũng, Võ Thị Chinh Nga (cùng là nguyên Phó Giám đốc); Phan Thị Bích Hạnh (nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán); Nguyễn Đỗ Nguyên (nguyên Trưởng khoa Tổng hợp); Lương Ngọc Tuấn (nguyên Phó Trưởng Khoa khám mắt); Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức).