Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên nhân cá chết hàng loạt làm "nóng" họp báo thường kỳ Chính phủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các phóng viên gửi hàng loạt câu hỏi về nguyên nguyên cá chết hàng loạt tại miền Trung đến Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và đại diện các bộ tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, chiều tối 5/5.

Về vụ việc cá chết, dư luận rất hoang mang, sau đó có sự vào cuộc của Chính phủ và các cơ quan, người dân bớt hoang mang hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận là bộ, ngành đã vào cuộc hơi chậm. Vậy, những kinh nghiệm gì cần rút ra qua xử lý vụ việc này và khả năng bao giờ có thông tin về nguyên nhân, kết quả vụ việc?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đây là vụ đầu tiên xảy ra tại vùng biển nước ta trên diện rộng, chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý. Tuy nhiên, Thủ tướng rất chủ động và đã nhanh chóng chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên à Môi trường, yêu cầu các nhà khoa học, viện hàn lâm, UBND 4 tỉnh đều vào cuộc. 

Chủ trương của Chính phủ là mời các chuyên gia nước ngoài cùng với chuyên gia trong nước xem xét, đánh giá với tinh thần dựa trên kết luận của các nhà khoa học, các chứng cứ xác đáng để kết luận, công khai, minh bạch vụ việc. Thủ tướng giao Bộ TN&MT là cơ quan phát ngôn toàn bộ nguyên nhân liên quan đến việc cá chết thời gian qua, đồng thời, giao Bộ TM&NT rà soát toàn bộ các dự án liên quan đến xả thải, từ vấn đề thiết kế, thi công nghiệm thu đến xả thải…

Giao Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân; giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất các biện pháp hỗ trợ lãi suất tín dụng, vấn đề khoanh nợ cũ, lãi suất cho vay tín dụng mới để nhân dân sớm ra khơi đánh bắt. Giao Bộ Công an xem xét yếu tố liên quan đến vụ việc. Quan điểm của Thủ tướng là không loại trừ tổ chức hoặc cá nhân nào nếu vi phạm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (đứng giữa) cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn (cạnh bên trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (ngoài cùng bên phải) tại cuộc họp báo
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (đứng giữa) cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn (cạnh bên trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (ngoài cùng bên phải) tại cuộc họp báo
Thủ tướng Chính phủ cho biết thông tin báo cáo từ các địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng còn chậm, thụ động. Trong xử lý việc này, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, rất chủ động nắm bắt và sớm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Ngày 1/5 là ngày nghỉ nhưng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan đã dự và nghe 5 tỉnh, gồm 4 tỉnh thiệt hại và tỉnh Nghệ An, báo cáo tình hình thiệt hại, vấn đề an ninh trật tự, giải quyết cho ngư dân… để đồng bào sớm ổn định, phát triển kinh tế khu vực.

Tại cuộc họp báo này có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đi thực tế rất nhiều địa phương về, các thông tin trước đây có khoanh vùng nguồn gây độc cá chết từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh trở vào đến Đà Nẵng, giới hạn khoảng từ 50 hải lý vào bờ. Xin Bộ trưởng chia sẻ là có thể khoanh vùng hẹp hơn không, tức là nguồn phát thải hoặc là nguồn gây độc cụ thể là ở chỗ nào?

Ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Sau khi có sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế, không chỉ ảnh hưởng tới ngư dân mà còn ảnh hưởng tới người làm hậu cần nghề cá, hoạt động du lịch... 

Tại sao khi cá chết như vậy lại khoanh vùng rộng hơn mà không khoanh vùng hẹp hơn? Khoanh vùng rộng để bảo đảm an toàn lớn hơn. Khi cá chết thì không biết chết từ 15 hay 20 hải lý, khi phát hiện con cuối cùng ở 15 hải lý thì phải khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn.

Khi phát hiện cá chết, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo kịp thời, tất cả các bộ, ngành. Bộ TT&TT chỉ liên quan đến phần thông tin, truyền thông nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu đi vào các tỉnh để nắm bắt tình hình thực tế có đúng như báo chí nêu hay không.

Nhân đây, một số cơ quan báo chí rất tích cực vào cuộc, giúp cơ quan, ban, ngành nắm thực chất, rõ tình hình, có giải pháp cảnh báo người dân và dự báo đề phòng cả những nguy cơ tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan báo chí đưa tin thổi phồng, suy diễn quá mức, ví dụ đặt tít phải chăng nguyên nhân do chỗ này chỗ kia… Khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì cứ truy bức đưa ra nguyên nhân trước. Các cơ quan báo chí lại đưa nguyên nhân trước các cơ quan chức năng là Bộ TN&MT, KH&CN, NN&PTNT...

Đề nghị cơ quan báo chí phải đưa tin 2 chiều. Một mặt cấm người dân sử dụng, thu gom để vận chuyển đi địa bàn khác sử dụng, tiêu thụ, chế biến và ăn hải sản ở khu vực ven bờ đã chết không rõ nguyên nhân, bị nhiễm độc hoặc lừ đừ gần chết.

Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn phải tuyên truyền cá đánh bắt xa bờ là hoàn toàn an toàn, ví dụ các loại cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ đại dương. Không thể có cá ngừ đại dương sống ở trong khu vực 50 hải lý trở lại. Nếu chúng ta không tuyên truyền việc đó, người dân không hiểu, tẩy chay cả hải sản đánh bắt xa bờ, thì thiệt rất lớn, vô hình trung chúng ta tiếp tay làm thiệt hại lớn hơn cho ngư dân vùng biển.

Có những ngư dân khóc bởi đánh bắt xa bờ, 150 hải lý, về không ai mua cả, người ta đổ cá ra đường. Mình tuyên truyền thế nào một mặt để người dân hiểu rõ những loại nào, khu vực nào không được ăn,  những loại nào thì an toàn.

Chính vì vậy, rất mong báo chí đưa tin một cách trung thực, chính xác, khách quan bảo đảm cơ sở khoa học, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Hiện nay có tâm lý đã là cá biển thì không dùng, nhất là tại các tỉnh ven biển miền Trung. Vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền về sản phẩm, hải sản an toàn, môi trường biển sạch, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch ở các tỉnh miền Trung. 

Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phấn đấu trong thời gian sớm nhất công bố nguyên nhân sự cố, dựa trên kết luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước đang ở khu vực 4 tỉnh miền Trung. Các cục, vụ thuộc Bộ TT&TT sẽ thường trực để tiếp nhận thông tin là cung cấp ngay cho báo chí.

Theo thông tin trên báo chí thì trong vòng nửa tháng qua có 2 cuộc kiểm tra về vấn đề môi trường đối với Công ty Formosa. Trước tiên là cuộc kiểm tra của Bộ Công Thương công bố vào ngày 20-21/4, và mới đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về hai cuộc kiểm tra cùng về 1 vấn đề do 2 cơ quan thực hiện. Phải chăng cuộc kiểm tra của Bộ Công Thương có vấn đề khó khăn, vướng mắc gì nên sau đấy Bộ TN&MT tiếp tục vào cuộc?

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Đoàn của Chính phủ  đã vào Formosa rồi, còn có nhiều đoàn của các bộ, ngành khác nữa. Trước hết, theo cá nhân tôi, sự kiện như Formosa là sự việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, và có thể nói là tới cả nền kinh tế, nếu không nói cả chính trị đất nước chúng ta. Cho nên việc vào cuộc của Chính phủ và tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội là rất cần thiết.

Chúng ta biết Formosa là khu công nghiệp rất lớn, sản xuất công nghiệp nên đây là chức trách của Bộ Công Thương. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra định kỳ. Cũng nhân sự việc mà theo đánh giá của cá nhân tôi, của Bộ Công Thương là hết sức nghiêm trọng, riêng Bộ Công Thương đã tổ chức 2 đoàn.

Đoàn thứ nhất kiểm tra vận hành của Formosa có đúng theo các quy trình quy định trong lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách hay không, ví dụ về an toàn lao động, về các thiết bị xử lý... Chúng tôi cũng đã tổ chức riêng một đoàn liên quan tới việc sử dụng hóa chất khi Formosa nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quy định, phải có đăng ký tại Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Hóa chất. Khi có xác nhận của cơ quan quản lý thì được phép nhập khẩu và sử dụng theo quy định cũng như kê khai với các cơ quan quản lý mà ở đây trực tiếp là Bộ Công Thương, đầu mối là Cục Hóa chất.

Hiện nay, kết quả của đoàn đã được tập hợp cùng báo cáo của các đơn vị khác như Bộ TN&MT, sau này là Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt. 

Riêng về lĩnh vực hóa chất, theo con số chúng tôi nắm được và qua kiểm tra, cả năm 2015 và tính cho đến thời điểm này (cách đây 3 hôm),  Formosa nhập 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất. Việc này có đăng ký và được chấp thuận nhập khẩu, sử dụng. Chỉ riêng từ đầu năm 2016, Công ty được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất.

Mục đích nhập khẩu, theo căn cứ khai báo ngay từ đầu về mục đích sử dụng, là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định nước làm mát, hóa chất để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ pH... Từ đầu năm 2016, Công ty đã sử dụng 51 tấn hóa chất và hiện nay tồn trong kho 248 tấn. Đây là những hóa chất đã được phép nhập khẩu và sử dụng theo các đăng ký, quy định của pháp luật. Cụ thể thì chúng tôi đã có báo cáo Chính phủ. Sau này trong tổng hợp chung báo cáo của tất cả các bộ, ngành, địa phương có liên quan, sẽ có kết luận chính thức của Chính phủ.

Khi Bộ Công Thương cho phép Fomosa nhập gần 400 tấn hóa chất thì Bộ có tính toán được hàm lượng, số lượng hóa chất Fomosa sử dụng và thải ra môi trường có mức độ an toàn đến đâu hay không? Và lượng hóa chất mỗi năm Fomosa được phép sử dụng, thải ra môi trường tác động thế nào đến bờ biển Hà Tĩnh đã được tính toán chưa?

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Trước hết, hiện nay, ví dụ trong ngành y tế, ta cũng phải nhập những thuốc rất độc về phục vụ chữa bệnh, bản thân nước ta cũng đã xuất khẩu nọc độc rắn. Tương tự, có nhiều hóa chất độc hại được nhập khẩu nhưng quan trọng là quá trình sử dụng đúng quy trình.

Vấn đề ở đây là trong quá trình sử dụng, Fomosa phải tuân thủ những quy định về môi trường và các quy định khác. Câu hỏi Fomosa có tuân thủ đúng quy định về bảo đảm môi trường hay không và xử lý việc đó như thế nào thì Bộ TN&MT đã có đoàn kiểm tra và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ có thông báo chính thức về việc này.