Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyễn Thế Truyền và con đường yêu nước của ông

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn Thế Truyền (1898 - 1969) là một nhà trí thức yêu nước và cách mạng theo con đường riêng của mình. Ông hy vọng tập trung mọi lực lượng dân tộc để chống thực dân Pháp, đòi lại độc lập cho đất nước bằng đường lối ôn hòa.

Nguyễn Thế Truyền (1898 - 1969).  
Nguyễn Thế Truyền (1898 - 1969).  

Với Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Le Paria

Nguyễn Thế Truyền sinh ngày 17/12/1898 trong một gia đình quan lại có truyền thống khoa cử. Bẩm tính thông minh, cuối năm 1910, ông được gửi sang Pháp học. Ông học rất giỏi. Năm 1915, ông đậu bằng Brevet Superieur. Từ năm 1916 - 1920, ông theo học tại Trường kỹ nghệ Hóa học và Đại học Khoa học. Năm 1920, ông đậu hai bằng kỹ sư Hóa học và cử nhân khoa học ban Lý Hóa rồi về quê 1 năm. Trong năm này, ông học thêm chữ Hán. Năm 1921, ông sang Pháp học tiến sĩ và ghi tên học cử nhân Triết học tại Đại học Sorbonne. Cuối năm 1922, ông đậu cử nhân Triết học và cưới vợ là một y tá người Pháp.

Từ khá sớm, Nguyễn Thế Truyền bắt đầu liên hệ với nhóm cách mạng Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc tại Pháp, chính thức dấn thân vào con đường yêu nước và cách mạng, bỏ lại đàng sau nhiều cơ hội và quyền lợi mà chính quyền thực dân hứa hẹn. Ông được ghi nhận là một trong những người tham gia soạn thảo Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles, ngày 18/6/1919, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc. Giữa năm 1922, ông cùng Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh tham gia Hội Liên hiệp thuộc địa do một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp sống ở Paris thành lập (7/1921) mà Nguyễn Ái Quốc là một thành viên sáng lập, là Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội đồng thời phụ trách tờ báo của Hội là Le Paria.

Nguyễn Thế Truyền hoạt động rất tích cực và sôi nổi. Ông tham gia diễn thuyết, viết báo tố cáo, đả kích các chính sách của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Ông mạnh mẽ bảo vệ các quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Khi tờ La Dépêche Coloniache phản ứng các bài báo chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ái Quốc, phê phán Nguyễn Ái Quốc đầy tham vọng cá nhân và chẳng có sứ mệnh gì được người dân Việt Nam trao phó, Nguyễn Thế Truyền đã viết bài đăng trên báo Paria (1/12/1922) đáp trả: “… tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc phản ánh khát vọng của dân Việt Nam muốn được cơm no áo ấm, được tự do, không bị áp bức. Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam. Vậy các ông ở báo La Dépêche Coloniache hãy im mồm, đừng vu khống”.

Khi Phan Bội Châu bị bắt, bị đưa ra Tòa Đại hình, Nguyễn Thế Truyền tổ chức mít tinh phản đối và kêu gọi kiều bào góp tiền giúp cụ. Ông còn gửi kiến nghị cho Quốc hội, Tổng thống Pháp, Toàn quyền Đông Dương, Hội Quốc liên, Tòa án Quốc tế La Haye và Đại sứ Trung hoa Dân quốc tại Pháp tố cáo việc bắt giam trái phép Phan Bội Châu.

Nguyễn Thế Truyền cũng tích cực bảo vệ, giúp đỡ Phan Chu Trinh khi ở Pháp và tổ chức truy điệu khi cụ qua đời.

Tư tưởng Quốc gia dân tộc

Nguyễn Thế Truyền là người tiếp nhận phụ trách báo Le Paria khi Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô (13/6/1923) và đến năm 1925 ông giữ cương vị Phó Tổng Thư ký Hội Liên hiệp thuộc địa. Với cương vị này ông đã hoạt động rất tích cực, đóng góp nhiều cho Hội và báo Le Paria. Tuy nhiên, cuối năm 1925, ông từ chức chủ bút báo Le Paria và chuẩn bị cho việc thành lập báo Việt Nam hồn. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp nhưng chỉ một năm lại xin rút khỏi ra vì bất đồng quan điểm.

Theo Ngô Đăng Lợi (Xưa nay, số 312, 7/2008) thì: “Ông cho rằng ở Việt Nam không có giai cấp rõ rệt, toàn thể dân Việt Nam là một giai cấp bị dân Pháp thống trị, toàn thể dân Việt Nam phải đoàn kết chống thực dân bằng phương pháp ôn hòa để giành độc lập, để xây dựng một chế độ dân chủ mà quyền lợi mọi giới được dung hòa để hòa hợp với quyền lợi tối cao của dân tộc. Ông chủ trương lãnh đạo quản lý quốc gia phải là những trí thức, những chuyên gia, do đó ông khuyến khích giúp đỡ du học thành tài”. Năm 1927, ông thành lập Đảng Phục Việt do ông làm Chủ tịch, ra báo Phục Quốc.

Cương lĩnh của Đảng này là đấu tranh cho nền độc lập quốc gia, nước Việt Nam độc lập sẽ liên minh với Pháp, gia nhập Hội Quốc liên. Đảng này sẽ huấn luyện giới thượng lưu trí thức để gánh vác trách nhiệm khi Việt Nam độc lập; Đảng thu nhận bất cứ ai, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, địa vị xã hội nếu chấp nhận tôn chỉ, mục đích của Đảng.

Ngoài việc tổ chức tuyên truyền trên các báo, diễn thuyết… về đường lối quốc gia dân tộc của mình, sự kiện nổi bật nhất của Đảng Phục Việt là công bố Giác thư do Nguyễn Thế Truyền soạn thảo đòi Chính phủ Pháp phải thay đổi toàn bộ chính sách cai trị ở Việt Nam, trao trả chủ quyền cho Việt Nam; triệt thoái quân đội, xóa bỏ nền hành chính, kinh tế của Pháp tại Đông Dương và xây dựng kế hoạch hợp tác thuế quan, binh bị giữa Pháp và Việt Nam. Giác thư này đã được Hội Nhân quyền Pháp, Liên hiệp chống áp bức ở các thuộc địa và đế quốc, nhiều trí thức lớn của Pháp, báo chí cánh tả Pháp ủng hộ.

Ảnh hưởng của Nguyễn Thế Truyền và Đảng Phục Việt ngày càng rộng lớn hơn không chỉ ở Pháp mà cả ở trong nước. Do đó, chính quyền Pháp đã chủ trương cưỡng bức Nguyễn Thế Truyền và các chiến hữu của ông về nước thay bằng việc trục xuất. Trước tình thế đó, Nguyễn Thế Truyền đã chủ động xin về nước cùng vợ con.

Ngày 8/1/1928, gia đình ông cùng Nguyễn An Ninh về đến Sài Gòn. Để mua chuộc, vô hiệu hóa vai trò của ông, Thống sứ Bắc Kỳ sẵn sàng bổ nhiệm ông làm kỹ sư trong ngành khí tượng hoặc trong các nhà máy lớn, hoặc giáo viên trung học, cao đẳng công. Nhưng ông đã từ chối và về sinh sống ở quê, sau lên ở Nam Định trong sự theo dõi gắt gao của mật thám Pháp.

Về nước, nhưng ông vẫn có liên hệ thư từ với Đảng Phục Việt ở Pháp và luôn phản kháng những hành động sai trái của nhà cầm quyền, thậm chí khởi kiện cả Công sứ Nam Định. Vì vậy, ảnh hưởng của ông với dư luận và đồng bào trong nước ngày càng lớn. Năm 1933, nghi ngờ Đảng Phục Việt có liên hệ với các nhà cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc để xây dựng lực lượng chống Pháp nên nhà cầm quyền đã bắt giam ông mấy tháng.

Tháng 3/1934, Nguyễn Thế Truyền trở lại Pháp. Lúc này, Đảng Phục Việt đã bị giải tán, báo Phục Quốc bị đóng cửa. Ông lại sáng lập tổ chức cách mạng mới là Rassemblement des Indochinois (Tập hợp người Đông Dương) để chống chính sách thuộc địa của Pháp và đòi độc lập cho Đông Dương. Trong thời gian ở Pháp từ 1934 - 1938, ông tích cực tuyên truyền về chủ nghĩa quốc gia, ông không tán thành bạo động cách mạng nhưng cũng chống lại quan điểm chính trị của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Phan Long. Thời gian này, ông cùng Lê Hiền thảo Thỉnh nguyện thư của nhân dân Đông Dương nhưng nội dung cơ bản vẫn như Cương lĩnh của Đảng Phục Việt.

Đầu năm 1939, Nguyễn Thế Truyền về nước với ý định liên hệ với các đảng quốc gia để thành lập một mặt trận quốc gia thống nhất đấu tranh ôn hòa đòi thực dân Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Thế nhưng, ông và em trai là Nguyễn Thế Song bị nhà cầm quyền buộc phải cư trú ở quê nhà và giám sát chặt chẽ. Nghi ngờ có liên hệ với người Nhật, ngày 1/5/1941, chính quyền Pháp bắt hai anh em ông đi an trí ở Sơn La và cuối năm thì đưa đi an trí ở Madagascar đến tháng 8/1946 mới được phóng thích về Sài Gòn.

Nguyễn Thế Truyền dạy học và khước từ lời mời tham gia chính quyền của Bảo Đại. Cuối năm 1951, ông về quê bán hết ruộng đất, nhà cửa để năm 1953 ra hai tuần báo là Ami du peuple ở Sài Gòn và Bạn Dân ở Huế. Tháng 1/1953, ông trúng cử vào Hội đồng TP Hà Nội thuộc vùng tạm chiếm. Cuối năm 1954, ông tiếp tục ra báo Thân Dân ở Sài Gòn. Từ 1955 đến cuối đời, ông sống ở Sài Gòn bằng nghề viết báo.

 

Nguyễn Thế Truyền mất ngày 19/9/1969 tại Sài Gòn. Ông trước sau vẫn một lòng yêu nước, thương dân; luôn ngẩng cao đầu, không khuất phục bất cứ thế lực nào. Ông là một nhà trí thức yêu nước và cách mạng lớn. Cuộc đời ông là một bài học lớn, cả thành công và thất bại, cho các thế hệ trí thức Việt Nam.