Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc một trong những số báo đầu tiên của báo Kinh tế & Đô thị năm 1999. Ảnh: Lý Anh Quý |
Tôi được Ban Biên tập Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cử đi làm phóng sự điều tra. Chúng tôi đến tất cả các công trình trong diện bị cắt “ngọn” tìm hiểu, gặp gỡ chủ đầu tư, chính quyền sở tại và cao hơn là Sở Xây dựng TP. Vì là “lệnh” rồi nên cán bộ cấp quận, phường đều một mực “phải cắt, phải cắt”. Đến Sở Xây dựng, tôi phỏng vấn ông Đỗ Văn Chiểu - Phó Giám đốc Sở phụ trách mảng trật tự xây dựng. Ông buồn rầu nói: “Từ hôm TP ban hành quyết định xử lý, kỷ luật cán bộ, nhân viên, xử lý các công trình sai phạm, tâm lý anh em từ Sở đến các quận, huyện rất lo lắng và hoang mang…”.
Tôi có đặt vấn đề này với nhiều nhà lãnh đạo, nhưng đều bị từ chối. Nhớ có một lần được ngồi gần nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trao đổi về vai trò làm chủ của Nhân dân, ông đã nhấn mạnh đến sức dân, biết gần dân, lắng nghe dân sẽ có những quyết sách đúng và đi đến thành công. Thế rồi tôi đến gặp ông và xin được phỏng vấn ông về vấn đề đang rất nóng này. Ông cầm ra mấy tờ báo có bài viết về tình trạng xây dựng sai phép ở TP Hà Nội, chứng tỏ ông nắm rất chắc tình hình Hà Nội (trong đó có vấn đề xây dựng và trật tự xây dựng).
Sau khi ê kíp triển khai xong máy móc, tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn ông. Mở đầu cuộc phỏng vấn, ông nói: “Tôi phát biểu với tư cách cá nhân của tôi rằng, để đến mức độ xây dựng sai phép tràn lan, nghiêm trọng là điều rất đáng buồn. Mai này TP phải rà soát, kiểm tra, đánh giá cho thấu đáo, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để ngăn chặn, tiến đến đẩy lùi tình trạng này”.
Tôi đi thẳng vào câu hỏi thứ hai: “Thưa ông, bây giờ sai phạm thì đã rõ, nhưng xử lý sai phạm thế nào cho vừa giữ kỷ cương, phép nước, vừa giảm được tổn thất cho người dân”. Nguyên Tổng Bí thư cho biết: “Như trên tôi đã nói, cực chẳng đã mới phải xử lý. Xử lý thì có hai cách, một là xử phạt hành chính, hai là phá dỡ phần sai phạm. Nhưng với riêng cá nhân tôi, cần suy nghĩ rất kỹ. Vì mỗi viên gạch, hạt cát xây cất lên tòa nhà là của cải vật chất của xã hội. Do đó, cần phải cân nhắc rất kỹ trước khi phá dỡ. Riêng ý kiến cá nhân tôi, tôi không ủng hộ cái sai, nhưng có thể cho tồn tại các công trình không ảnh hưởng đến di tích lịch sử văn hóa, không đe dọa đến cuộc sống người dân ở xung quanh công trình đó. Ngược lại, phải xử phạt thật nặng chủ đầu tư bằng cách thu toàn bộ phần lợi nhuận có từ phần sai phép đó để góp vào các quỹ từ thiện, quỹ an sinh xã hội”.
Tôi kết thúc cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi: “Xin ông đánh giá khái quát đợt xử lý sai phạm trật tự xây dựng này ở Hà Nội”. Ông vẫn chậm rãi: “Theo tôi, vấn đề không phải ở cái ngọn mà là ở cái gốc. “Cắt ngọn” chỉ giải quyết được phần rất nhỏ của vấn đề, cái chính là ở phần gốc của vấn đề, tức là cán bộ ở đâu, bất cứ phường nào cũng có đội ngũ cán bộ quản lý. Hoặc là họ làm tắc trách, thiếu trách nhiệm, hoặc thông đồng, bao che cho sai phép thì các công trình vi phạm trật tự xây dựng mới mọc lên. Nên tôi nhấn mạnh một lần nữa, xử lý phải xử lý triệt để từ gốc, ngăn chặn từ gốc. Có như vậy mới đẩy lùi, đi đến chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép”.
Gần 14 năm đã trôi qua, cuộc gặp và phỏng vấn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Ông là một con người trí tuệ, uyên bác, gần gũi nhưng rất nguyên tắc. Điều đặc biệt là, ông luôn hướng về Nhân dân, nghĩ cho dân, thương dân. Xin kính cẩn nghiêng mình kính trọng và ngưỡng mộ ông.