Nguyên Tổng Giám đốc PVN được luật sư bào chữa thế nào?

Thiên Bình - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN, luật sư Đinh Anh Tuấn phản bác quan điểm của Viện kiểm sát. Luật sư cũng cho rằng, bị cáo Phùng Đình Thực không có hành vi cấu thành tội “Cố ý làm trái…”.

Chiều 12/1, tại TAND TP Hà Nội, các luật sư tiếp tục đưa ra quan điểm bào chữa cho các bị cáo trong vụ án tham nhũng - kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP xây lắp Dầu khí Việt nam (PVC).

Theo cáo trạng, ông Phùng Đình Thực đã cùng với ông Đinh La Thăng có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PV Power ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 căn cứ hợp đồng này tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115.868.979.065 đồng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119.804.660.196 đồng.

Bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN.

Trước đó, bị cáo Phùng Đình Thực bị VKSND đề nghị mức án 12 - 13 năm tù giam về hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Đinh Anh Tuấn - bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên TGĐ PVN nêu quan điểm của mình: Ông Thực bị đại diện VKSND truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đề nghị tòa tuyên phạt mức án từ 12 - 13 năm tù.
Luật sư Tuấn cho rằng, kiểm sát viên chỉ nêu ông Thực biết rõ PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn cùng bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 (thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) để PVC là tổng thầu. Sau đó, các bị cáo chỉ đạo cấp vốn cho PVC trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng… Cáo trạng nêu, ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC (tổng thầu) dự án Thái Bình 2. Ngày 15/10/2010, ông thăng lại ký nghị quyết phê duyệt phương án liên danh tổng thầu EPC.
Luật sư Tuấn trình bày, đây là tình tiết gỡ tội cho ông Phùng Đình Thực. “Ông Thăng phải thay đổi từ “tổng thầu” sang “liên danh tổng thầu” vì trước đó, ngày 10/9/2010, ông Phùng Đình Thực đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án Nhiệt điện than do ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN làm trưởng ban. Trong đó, ông Thực yêu cầu ban này xây dựng phương án liên danh tổng thầu cho dự án Thái Bình 2 vì ông Thực nhận thấy PVC chưa đủ kinh nghiệm làm tổng thầu”, luật sư Đinh Anh Tuấn phân tích.
Trước tòa, luật sư Tuấn cho biết, nhiều văn bản có nội dung nếu chuyển đổi công nghệ tại dự án Thái Bình 2 thì dự án đầu tư, hiệu chỉnh thiết kế tháng 6/2011 mới xong. Ông Tuấn nói: “Tất cả các văn bản này không được chuyển tới tay bị cáo Phùng Đình Thực… Chúng tôi đã thu thập những tài liệu, giao nộp HĐXX và đề nghị mời ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh văn phòng PVN đến khai báo trực tiếp tại tòa nhưng rất tiếc việc này chưa được thực hiện”.
Cáo trạng cũng nêu ngày 14/12/2010, ông Thực yêu cầu bị cáo Nguyễn Quốc Khánh làm việc với tập đoàn than, làm thiết kế kịp thời để đảm bảo khởi công dự án Thái Bình 2 trong đầu năm 2011.
Theo luật sư Tuấn, HĐTV đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ khởi công dự án trước tháng 12/2010. Ông Thực đã chủ trì cuộc họp, chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề kỹ thuật công nghệ lò hơi và nguồn than… Ông Thực không ấn định ngày, tháng cụ thể khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Về việc ông Phùng Đình Thực có biệt Hợp đồng EPC số 33 trái quy định hay không, luật sư Tuấn cho rằng có 2 trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, có thể ông Thực kết hợp ông Đinh La Thăng ký hợp đồng EPC một cách hình thức mục đích để khởi công dự án. “Hồ sơ vụ án không có tài liệu nào cho phép nhận định bị cáo Thực đã tự chỉ đạo hoặc kết hợp với bị cáo Thăng cùng chỉ đạo 2 đơn vị thành viên ký một hợp đồng chỉ đạt yêu cầu về hình thức…”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Vị luật sư tiếp lời, trường hợp thứ 2, bị cáo Thực không chỉ đạo ký Hợp đồng EPC số 33 nhưng sau đó có biết cấp dưới đã trót làm sai nhưng không chỉ đạo khắc phục mà vẫn cho thực hiện hợp đồng này. Tuy vậy, luật sư Tuấn nêu nhiều luận điểm khẳng định, trước ngày 16/6/2011, ông Phùng Đình Thực không biết Hợp đồng EPC số 33 không có giá trị pháp lý.
Cuối cùng, luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định bị cáo Phùng Đình Thực không cố ý làm trái khi ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng số 4194 (tiếp nối Hợp đồng EPC số 33). “Trên thực tế, ông Khánh đã ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 mà không báo cáo lại với ông Thực về rủi ro pháp lý của Hợp đồng số 33”, ông Tuấn khẳng định.
Từ đó, luật sư Tuấn kiến nghị kiểm sát viên sẽ tranh luận đến cùng với những luận cứ của ông. Luật sư cũng đề nghị HĐXX tuyên bố không đủ căn cứ để kết luận bị cáo Phùng Đình Thực có hành vi cấu thành tội phạm: “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần