Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo Nguyễn Tiến Dân: Sống là cho đi, chết là hiến dâng!

HẠNH NHUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Người ta nói chết là hết nhưng với tôi, nếu ta đem thân xác mình hiến cho khoa học, y học để phục vụ cho sự sống thì cái chết đó thật sự có ý nghĩa”, nhà báo Nguyễn Tiến Dân chia sẻ.

Gần 20 năm thiện nguyện giúp đời

Nhà báo Nguyễn Tiến Dân (SN 1950) lớn lên trong gia đình truyền thống cách mạng ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, ông gia nhập quân Giải phóng hoạt động tại chiến trường Quân Khu 5. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1983, ông trở về Đà Nẵng nhận công tác ở nhiều cơ quan như: Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, Đại diện báo Đường sắt, báo Cựu chiến binh… Hiện nay, ông là công dân, Bí thư chi bộ khu dân cư 22, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng và là phóng viên thường trú Tạp chí Văn hóa & Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung.
 Nhà báo Nguyễn Tiến Dân dung dị ở ngoài đời
“Mai này, khi cuộc chiến kết thúc! Ai còn sống nếu có điều kiện hãy giúp những học sinh nghèo. Đừng để chúng không biết chữ như chúng tôi”, là lời căn dặn của một đồng đội của ông đã hy sinh lúc còn ở chiến trường khu 5. Vì vậy, suốt những năm qua, nhà báo Tiến Dân luôn cố gắng làm theo di nguyện của đồng đội, làm tốt công tác thiện nguyện, giúp đời, giúp người, giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn biết được cái chữ.

Bắt đầu công tác thiện nguyện từ những năm 2000, đến nay, ông đã có gần 20 năm làm thiện nguyện, giúp đỡ được rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn. Ông không ngại gian nan, vất vả, đi khắp dải đất miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Ngãi hay lên Kon Tum…, mang những phần quà là sách vở, áo ấm trao đến tận tay những trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, để các em có thể yên tâm chinh phục hành trình tìm kiếm con chữ còn nhiều thử thách phía trước.

Đồng hành với ông trong mỗi chuyến đi thiện nguyện là các bạn trẻ sinh viên. Ông luôn căn dặn các bạn trẻ đến giúp người thì không nên nhận món quà trả nghĩa nào cả, một tấm lòng thiện nguyện đầy đủ ý vị để gieo mầm sống, gieo ước mơ lên những mảnh đất còn nhiều khó khăn.

Ngoài công tác thiện nguyện, ông còn kiêm nhiệm đại diện Tư vấn & Trợ giúp Pháp lý cho gia đình Liệt sĩ nhằm kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Ông luôn suy nghĩ nếu sau khi ra đi có thể giúp cho đời, đem lại mầm sống cho mọi người thì tại sao lại không làm. Dần dần, trong ông đã hình thành ý định hiến dâng thân xác phục vụ cho khoa học, y học.

“Sống là cho đi, chết là hiến dâng”

Vừa qua, nhà báo Tiến Dân vinh dự là người đại diện những người hiến tặng thi hài cho y học lên phát biểu tại Lễ tri ân Khoa Y Dược - ĐH Đà Nẵng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam. “Tôi muốn hiến thân xác cuối cùng của mình cho y học. Tôi biết mình chẳng thể mang theo được gì, thôi còn thân xác có thể giúp ích cho đời”, ông bày tỏ.
Ông luôn tâm niệm: “Sống là cho đi và khi trái tim ngừng đập hiến dâng cho khoa học, y học để giúp người”. Hiến xác là nghĩa cử cao đẹp, đầy ắp tính nhân văn, thiết thực giúp đời, việc này đã vượt qua hết mọi quy chuẩn xã hội, mọi phong tục tập quán truyền thống để đem lại mầm sống cho rất nhiều người.

Theo thống kê, ở nước ta số người đăng ký hiến xác ngày càng tăng, từ 47 bộ năm 1997 (năm khởi xướng hiến tặng thi hài) đến nay đã lên đến 4.300 bộ, con số tăng gấp rất nhiều lần so với lúc trước. 
TP Đà Nẵng hiện có hai người đăng ký hiến tạng, thi hài cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học đó là nhà báo Nguyễn Tiến Dân và chị Tăng Lý Thị Hoa (1971). 
“Người ta nói chết là hết nhưng với tôi, nếu ta đem thân xác mình hiến cho khoa học, y học để phục vụ cho sự sống thì cái chết đó thật sự có ý nghĩa”, nhà báo Nguyễn Tiến Dân chia sẻ.