Nhà báo nữ với nghề

Chia sẻ Zalo

KTT - Trong tổng số 17.763 nhà báo - hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam, có 30% hội viên là những nhà báo nữ. Trên bước đường nghề, nhà báo nữ có nhiều ưu thế, nhưng những khó khăn cũng chồng chất.

KTT - Trong tổng số 17.763 nhà báo - hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam, có 30% hội viên là những nhà báo nữ. Trên bước đường nghề, nhà báo nữ có nhiều ưu thế, nhưng những khó khăn cũng chồng chất. Cuộc thảo luận với chủ đề "Nhà báo nữ với nghề" do Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam tổ chức nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 được coi là một dịp để chị em trong nghề chia sẻ những trải nghiệm trên đường tác nghiệp.

Nhà báo Thu Hằng (trưởng phòng phóng viên Báo Lao động Xã hội)

Không phải lúc nào cũng "liễu yếu đào tơ"


Phụ nữ vốn được coi là phái yếu, tuy nhiên khi tác nghiệp, trong nhiều trường hợp, nếu vẫn coi mình là phụ nữ thì sẽ không xong việc, thậm chí còn làm hỏng việc… Đã đôi ba lần, tôi toan bỏ nghề, có lúc vì thấy vất vả quá, mệt mỏi quá. Lần đầu tiên định bỏ nghề là vào một hôm trời mưa bão, nhưng sếp kiên quyết bắt tôi phải đi lấy tài liệu ngay, lúc đó khoảng năm 1993 gì đó, chưa có email hay fax dễ dàng như bây giờ. Tôi đạp xe đi ra đường và bị mưa bão quật ngã dúi dụi không đi nổi trên phố Tràng Tiền. Lúc đó, tôi khóc và nghĩ: Tại sao mình lại phải khổ sở như thế này nhỉ?... Đến nay tôi đã có 18 năm trong nghề báo và cảm thấy thực sự mình hợp và gắn bó với công việc này. Tôi nghĩ, với các nhà báo nữ khác cũng vậy. Đã gắn bó với nghề, đã trót yêu cái nghề vất vả này rồi, chúng ta sẵn sàng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, mỗi khó khăn vượt qua được lại chính là một kỷ niệm, một kinh nghiệm quý báu của chính cuộc đời mình. Đó cũng là cái sướng của người làm báo mà những nghề khác không dễ gì có được.


Nhà báo Giang Thị Kim Quy (Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên)

Phải chiến thắng chính mình


Với nhà báo nữ, mỗi tác phẩm báo chí hình thành đã khó khăn, nhưng bên cạnh trang bản thảo còn là những trang nhật ký về cuộc đời, về tình duyên… không dễ dàng chia sẻ. Tôi dám chắc rằng trong số các nhà báo nữ, không phải ai cũng nhận được sự cảm thông, sẻ chia của chồng, của gia đình. Nhưng chúng tôi, ai cũng bước vào nghề với niềm đam mê vô bờ bến, vì thế những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống luôn là thách thức để chúng tôi vượt qua, chiến thắng chính mình. Hạnh phúc của chúng tôi là tác phẩm của mình có chỗ đứng trong lòng độc giả. Có được điều ấy, chúng tôi biết thật sự "Không đơn giản".


Nhà báo Nguyễn Thị Trâm (Phó chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam)

Nhà báo nữ làm nên cái nhìn mới về giới


Trong nghề báo, nhược thế của phụ nữ là một thách thức với nữ nhà báo trong công việc. Hay phải đi công tác xa, thời gian làm việc không ổn định. Ở toà soạn, các nhà báo nữ không có ưu tiên gì hơn nhà báo nam về định mức lao động cũng như thời gian lao động. Ở gia đình, các ông chồng, cho dù có "đảm đang" mấy cũng không thể nào thay thế nhiều công việc không tên của vợ. Chính vì vậy, không có cách nào khác, các nữ nhà báo buộc phải năng nổ, nhanh nhạy, sắc sảo thì mới hạn chế được nhược thế của thiên chức giới mà làm tốt được cả hai việc.


Đại diện câu lạc bộ Nhà báo nữ Bắc Giang

Gánh nặng tăng gấp đôi


Phụ nữ chọn nghề làm báo là đã gánh lên vai một gánh nặng cực nhọc gấp đôi nam giới: Ở một đầu là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với bạn đọc, với khán thính giả, với xã hội, còn đầu kia là gia đình riêng, trách nhiệm nuôi dạy con cái. Những phóng viên, nhà báo ở địa phương như chúng tôi đi tác nghiệp đâu được đi bằng ô tô, phương tiện chính là chiếc xe máy. Làm phóng viên báo in còn đỡ, đối với phóng viên báo hình thì nỗi cực nhọc còn tăng gấp đôi. Đường đi là đường miền núi, những nhà báo nữ báo hình phải "ôm" theo chiếc camera cùng chiếc chân máy quay phim nặng đến cả mấy chục kg. Trời nắng còn thuận, hôm nào không may giữa đường gặp trời mưa người ướt như "chuột lột" không phải vì không có áo mưa mà vì chị em chúng tôi thà ướt người chứ không được ướt "máy", bởi người ốm uống thuốc sẽ nhanh khỏi, nhưng máy ướt, "bị ốm" coi như là không còn "trâu" để đi "cày".


Khó khăn vất vả là vậy nhưng với đặc thù của mình, phụ nữ có những thuận lợi trong làm báo. Đó là sự mềm mỏng, duyên dáng đúng mực và năng động nên đi đến đâu các nhà báo nữ cũng thuận lợi, công việc thông suốt, nhanh chóng. Và với chúng tôi, cái lớn nhất mà nghề báo đem lại không phải là danh vọng, tiền tài mà là chỗ đứng trong lòng độc giả, khán, thính giả, ở cơ sở mà những nhà báo nữ Bắc Giang đã khẳng định được bằng những tác phẩm, bằng những vị trí, có thể ai đó không hề biết mặt nhưng lại nhớ chính xác từng cái tên, từng bút danh, tác phẩm của chúng tôi.


Nhà báo Minh Huệ (Đài Tiếng nói Việt Nam)

Cực nhọc khó gọi tên


Cứ nói đến nhà báo nữ là người ta chỉ nhìn thấy những hạn chế. Mà thật lạ là hạn chế ấy lại không phải từ năng lực mà chủ yếu là ở góc độ giới: Nào sức yếu, nào mất thời gian cho việc sinh con đẻ cái, nuôi nấng, chăm sóc chúng, nhất là khi con ốm đau... lại phải nghỉ. Thế nên trong nhiều mục tuyển phóng viên của một số cơ quan báo chí mới xuất hiện cái cụm từ làm nhức nhối chị emrằng: "chỉ tuyển phóng viên nam" hoặc "ưu tiên nam giới"... Với nhà báo nữ chúng tôi,đấy là điều cựcnhất.


Thực tế, nhiều con đường rừng heo hút in đầy dấu chân của các nhà báo nữ, cả nơi Trường Sa nhiều sóng to, gió lớn cũng từng đón rất nhiều phóng viên nữ... Những phóng sự thực tế sinh động của nhà báo nữ xuất hiện nhiều trên mặt báo, trên sóng phát thanh, truyền hình gây tiếng vang trong dư luận... Nhiều tên tuổi có danh trong làng báo là nữ. Bằng chứng cho năng lực báo chí của phái nữ đấy thôi.