Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái: Lão nông cặm cụi trên cánh đồng chữ

Theo Danviet.vn
Chia sẻ Zalo

Đã nhiều lần cầm bút lại buông, tôi sợ mọi người hiểu mình như một người nịnh nọt. Đôi lúc, có một cái gì thôi thúc từ nội tâm bắt buộc tôi cầm bút, nhưng lại ngại ngùng. Tôi sợ, điều tôi viết ra không sâu bằng điều tôi đã nghĩ. Tôi sợ, sự bất lực của ngôn từ trước rất nhiều những chân thành mà anh đã sống!

Tôi gặp nhà báo Nguyễn Hồng Thái lần đầu vào một sáng mùa hè năm 2005. Tính đến nay thời gian tôi quen biết anh mới 15 năm. So với những mối quan hệ khác của anh, nó chắc chắn không phải là một khoảng thời gian quá dài. Nhưng số phận tôi lúc ấy đang có những khúc quanh đặc biệt. Phải vậy chăng mà anh thương tôi hơn người khác. Chính tình thương ấy đã giúp tôi biết về anh nhiều hơn, kỹ hơn từ những đồng điệu của những người từng vượt qua gian khổ.

Nhà báo Nguyễn Hồng Thái.

Tuổi thơ lam lũ và sâu nặng tình quê

Nguyễn Hồng Thái sinh năm 1961, những ngày ấy cả nước đói nghèo, ai chẳng thế. Nhưng Nguyễn Hồng Thái đặc biệt hơn ở chỗ, gia đình anh đông con, bố lại đau yếu quanh năm. Mọi gánh nặng lo toan đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Người đàn bà ấy chưa từng biết nấu một bữa cơm ngon, không biết may một đường vá đẹp trên tấm áo của chồng. Bởi, bà đang còn bận suốt tháng ngày rong ruổi trên mọi nẻo đường vùng khu 4 cũ. Khi thì đi tàu, khi thì đi bộ mua đồng nát, dép đứt, lông gà lông vịt lận chặt từng đồng tiền lẻ vào thắt lưng nuôi chồng ốm, con đông.

Tuổi thơ của anh là những ngày cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Những sáng tinh sương mặt người chưa tỏ, cậu bé đã đi mò cua bắt cá khắp các cánh đồng gần, đồng xa. Cái tuổi thơ đói nghèo và lam lũ cùng cái tinh sương của những cánh đồng sau mùa gặt trơ gốc rạ trở thành một nỗi ám ảnh của ký ức đẹp và buồn đọng mật trong nhiều trang văn của anh, làm nên cái hồn cốt văn chương Nguyễn Hồng Thái sau này: Viết rất hay, rất xúc động về những gì quê cảnh mùa màng.

Cái đói nghèo ấy làm anh không ít lần nghèn nghẹn khi kể cho tôi nghe, cậu bé là anh sang ăn chực cơm nhà người anh con bác ruột. Khẩu phần của người anh chỉ là nắm cơm nhỏ xíu độn nhiều sắn khoai. Nhưng mẹ anh dặn trước khi chạy bữa là khi nào ra đứng giữa sân, thấy bóng dưới chân mình đổ tròn thì mới được mang ra ăn (chắc là trưa lắm). Bụng đói, cơm phần chờ kia, cả buổi trưa cứ chạy ra chạy vào phơi đầu giữa nắng để trông cho cái bóng dưới chân kịp tròn mà không bao giờ chờ được! Người anh vì thương em mà sẻ đôi nắm cơm khi trời mới non trưa...

Tuổi thơ của anh là những lần theo mẹ vào tận Quán Hành, huyện Nghi Lộc đi mót khoai, mót lạc. Sau này có lần anh nói với tôi, trong cái lần mót khoai xa quê ấy, có người thanh niên quê xã Nghi Trung kéo xe cải tiến khoai đi đằng trước cho hợp tác xã cứ thình thoảng lại rớt ra vài củ cho mẹ con anh nhặt. Sau này thật lớn khôn, anh mới hiểu cái cử chỉ kia là sự cố tình, khi thấy mẹ con anh mỏi mệt nheo nhóc mà bì khoai chưa có củ nào. Nhớ mẹ, anh nhìn xa xăm: "Giá mà gặp được anh thanh niên ngày ấy một lần"!

Kí ức đói nghèo của anh còn ảm đạm và đau đớn hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều bởi sự ám ảnh của chiến tranh.Tôi đâu nghĩ, ngồi trước mặt tôi, một nhà báo Nguyễn Hồng Thái bình thản và hóm hỉnh kiểu "đồ Nghệ" đã từng là một cậu bé đi nhặt từng phần thi thể của người cô ruột trúng bom Mỹ vương vãi khắp mặt đất thậm chí ở cả những ngọn tre pheo.

Tôi không thể hình dung, cậu bé Nguyễn Hồng Thái đã đau đớn như thế nào trong phút ấy. Nguyễn Hồng Thái cũng đã từng cùng mẹ đi vay gỗ làm quan tài cho cha anh những ngày người hấp hối. Anh biết, cha chỉ yên lòng nhắm mắt khi đã nhìn thấy cỗ quan tài gỗ tốt trong nhà. Xóm giềng đã mở lòng cho cha anh toại nguyện. Nhiều đêm, trong cái cơ cực lo toan vay mượn của mình tôi không gục xuống, bởi tôi đã nghĩ đến anh những lúc như thế này. Cùng lắm tôi chỉ đi mượn tiền, cùng lắm nhiều người cũng đã đi vay từng ống gạo, nhưng đi vay cả cỗ quan tài ngày bố mất thì nỗi đau và sự cơ cực của tôi có thấm tháp gì!

Những ngày sau đó, anh sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Nguyễn Hồng Thái đã "liều mạng" đi buôn thuốc lá trên những chuyến tàu dọc để lấy tiền trả cho người hàng xóm tốt bụng. Tôi cứ tự hỏi phải chăng vì trải qua tất cả những điều đó nên đã làm nên một Nguyễn Hồng Thái luôn sẻ chia, luôn quan tâm đến những đau khổ của bạn bè, của người thân, thậm chí của cả những người không quen biết.

Có những người, chỉ cần gặp một lần, thậm chí là một thoáng, đã thấy an lòng, tin tưởng, Nguyễn Hồng Thái là người như thế. Ở anh tỏa ra một thứ năng lượng ấm áp, chân thành khó lí giải. Sau này, khi đã thành danh với rất nhiều cương vị công tác Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, giám đốc Nhà Xuất Bản Công an nhân dân, viện trưởng Viện Lịch sử Công an và hiện nay là Tổng biên tập tạp chí Công an nhân dân thì cái chất Nghệ thật thà, bộc trực, những yêu thương vẫn thấm đẫm trong anh.

Trải qua bao nhiêu thị thành, chức tước, vẫn nguyên vẹn là anh-đau đáu về mẹ, về quê. Hình ảnh ông con làm tướng, tóc đã ngả màu, cầm máy sấy từng sợi tóc bạc xóa trên mái đầu của người mẹ tuổi 94 vẫn là hình ảnh đẹp nhất mà tôi luôn nhớ khi nghĩ về anh. Mẹ mất, anh dồn tình yêu ấy cho những cụ già xóm Trung Hồng quê anh. Có lần anh mời bác sĩ từ Hà Nội về khám bệnh, cấp thuốc biếu quà các cụ trong xã.

 

Anh còn đau đáu xây dựng một thư viện ngay trong căn nhà 70m vuông của anh làm trên mảnh đất có cây sung trĩu quả trước căn buồng mẹ cho các cháu đến đọc. Với anh, có tri thức, con người sẽ bước trên nẻo thiện dù tôi biết anh chưa giàu. Cho đến trước ngày lên tướng, anh vẫn chỉ đi xe Zet có từ hơn 10 năm trước. Nghe bảo sau này khi có chế độ xe đưa đón, anh bán được "những" hơn 100 triệu đễ đỡ tiền gửi xe.

Và tác phẩm

Nguyễn Hồng Thái có nhiều danh xưng nhà báo, nhà văn (Hội Nhà Văn Việt Nam), nhà nghiên cứu lịch sử, báo cáo viên cấp Trung ương... Với nhiều thành công 2 tập truyện ngắn, tiểu thuyết Đất Nóng, 3 tập bút ký, 5 giải báo chí toàn quốc và giải báo chí Quốc gia các năm 2001, 2004, 2008, 2014, giải A báo chi viết về đề tài An ninh trật tự do Bộ Công An và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức 1991 - 1995, giải nhất cây bút Vàng do Bộ Công An và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức 1996 - 1998... nhưng với tôi, trước hết và sau cùng Nguyễn Hồng Thái vẫn là nhà báo.

Tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của anh. Những bài báo viết với một phong cách riêng. Dù là đề tài gì, viết về nhân vật nào, các bài báo của Nguyễn Hồng Thái bao giờ cũng rất chân thật. Anh không viết hào hoa, phóng bút, anh viết như hơi thở cuộc sống. Óc quan sát và kinh nghiệm của một người đi nhiều, gặp nhiều, chịu khó hòa mình vào mọi người, mọi tầng lớp, đặc biệt là tâm thế luôn đặt mình vào vị trí của người khác đã khiến cho tác phẩm báo chí và văn chương của Nguyễn Hồng Thái bao giờ cũng bắt được cái hồn cốt của nhân vật. Và chỉ bằng vài chi tiết phác thảo, người đọc sẽ nhận ra ngay cái nét riêng không trộn lẫn của nhân vật báo chí và văn chương của anh.

 

Với nhân vật nào anh cũng đều chọn được góc nhìn rất lạ, rất mới cho các nhân vật của mình, dù đó đều là những nhân vật mà trước anh, biết bao người đã từng viết về họ. Tôi có cảm giác Nguyễn Hồng Thái rất tài "đánh lẻ", rất "khôn lỏi" khi chọn góc nhìn về họ. Chọn rất tinh từng chi tiết không giống ai cho nhân vật của mình. 30 bài tập hợp trong cuốn: "Đối thoại cùng người nổi tiếng" là một minh chứng.

Tôi chỉ "rút" ra một bài trong số đó làm ví dụ. Khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái ông, nhà khoa học Võ Hồng Anh, Nguyễn Hồng Thái đã rất khôn ngoan khi chớp được về "khoảng lặng không lời" nhưng chứa đầy thông điệp máu thịt giữa Đại tướng và con gái. "Kể cả lúc ông đèo con gái bằng xe đạp lên Chợ Rạng, Đô Lương thăm cậu ruột của chị, dọc đường ông lại hỏi: "Con có nhớ ba không?", chị cũng im lặng trong tiếng xích xe đạp lạo xạo đường quê...

Có lẽ do sớm mồ côi mẹ, lại phải xa cha, một tuổi thơ gian khó cùng bà nội, bà ngoại, chạy giặc, tản cư từ vùng đất nghèo này sang vùng đất nghèo khác của miền Trung đã ngấm dần hình thành ở chị cá tinh gan lì, bướng bỉnh, đầy ắp tình cảm đấy mà thật khó bộc lộ. Cũng có thể như chị tự cắt nghĩa, đó còn là dòng chảy tự nhiên của huyết thống và truyền thống của hai gia đình nội ngoại... chảy trực hệ vào tiềm thức của chị. Ba chị rất hiểu tính khí đặc biệt của con gái, nên giữa hai cha con cứ vô hình hình thành nên sự hiểu nhau không cần lời ..." (Cha con và những thông điệp không lời).

Ai cũng có những lúc "không lời" như thế trong cuộc đời với đấng sinh thành. Nhưng để lí giải nó thấu đáo, nhân văn và tinh tế như thế thì không thể nhà báo nào cũng làm được. Tôi lặng đi khi đọc những dòng này: "Ốm đau là nỗi cô đơn lớn nhất của đời người, dẫu đó là ai đi nữa. Lúc này, ở phương trời xa, Đại tướng chỉ có vợ và con gái, người mẫn cảm như chị biết phải làm gì. Có lúc chị chỉ cần đem tấm vải ông tặng may bộ áo dài thật đẹp, rồi một sáng chớm thu mặc bộ áo dài đó đến khoe với ông, ông nhìn con gái mà cười, tình phụ tử rạng lên trong ánh mắt... Và nhờ thế, nhờ tất cả, Đại tướng đã khỏi bệnh trở về tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam...".

Và tôi tin cũng như tôi, bạn đọc cũng sẽ nhận được "bức thông điệp không lời" từ nhà báo Nguyễn Hồng Thái, để rồi chợt muốn ùa về bên bố, mặc tấm áo dài vào một ngày thu, hỏi xem "con mặc thế này có đẹp không?". Những ai không còn bố như tôi, như anh, rưng rưng một niềm thấu cảm. Tôi hình dung khi viết những dòng này, chắc chắn Nguyễn Hồng Thái nhớ bố mình. Chỉ có tấm lòng của một người con mới giúp Nguyễn Hồng Thái có sự lí giải thấu tình đạt lí như thế về khoảnh khắc im lặng không lời giữa cha con Đại tướng.

Nguyễn Hồng Thái đã từng là học sinh chuyên văn Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, đã từng đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, điều đó làm cho các tác phẩm báo chí của Nguyễn Hồng Thái thoảng chất văn chương, gần với các thân phận, thấu cảm với từng nỗi niềm của nhân vật. Và đặc biệt dù viết về điều gì, về ai thì các bài báo của Nguyễn Hồng Thái bên cạnh các thông tin báo chí thông thường như bao bài báo khác bao giờ cũng có những thông điệp nhân văn mà nhà văn gửi gắm đến bạn đọc.

Như Nguyễn Hồng Thái đã từng tự bạch: "Tôi không biết làm nghề gì ngoài làm báo và viết văn. Làm báo để kiếm sống, còn viết văn vì thấy thích thú, muốn để lại những cuốn sách riêng của mình. Tôi viết văn chậm chạp và vất vả, nhưng nghĩ rằng mọi sự cố gắng sẽ đem lại một kết quả nào đó, nên rất kỹ khi viết một câu văn. Hoàn thành một tác phẩm, cảm giác như mình vừa kiệt sức, cô đơn bơi qua một khúc sông rộng, bỗng thấy thăng hoa, yêu mình hơn. Tôi không đặt cho mình một mục đích to tát nào về sáng tạo văn chương, nhưng rất hạnh phúc khi viết được một câu văn hay. Tuy vậy, mỗi tác phẩm của tôi đều mong muốn đưa đến một ý tưởng mới lạ, gợi mở hay giải đáp một câu hỏi nhân sinh cho mình, cho bạn bè...".

Đôi khi tôi có cảm tưởng Nguyễn Hồng Thái giống như một nhà nông cặm cụi trên cánh đồng chữ nghĩa không ngừng nghỉ để gieo mầm thiện, gieo từ tâm, từ trong đời sống thực tế của anh cho đến tác phẩm. Nếu được ví von so sánh, tự thấy là người khá hiểu anh, tôi thấy Nguyễn Hồng Thái giống như một bông hoa bồ công anh, một loại hoa lành, có đôi chút đắng đót, nóng nảy nhưng tâm thanh nhẹ. Mỗi khi có một làn gió, bông bồ công anh lại tự tách mình ra, đậu xuống một mảnh đời, một vùng đất để lan tỏa sự ấm áp và những điều tử tế.

Có thể nói, Nguyễn Hồng Thái là một nhà báo đặc biệt, vì trong văn có báo, trong báo có văn. Nó làm cho các tác phẩm của anh luôn hài hòa giữa những tư liệu hiện thực và những lí giải thấu đạt bằng ngôn ngữ văn chương. Nói tóm lại, với tôi nó là những bài báo "đẹp" về cách biểu đạt. Tôi cứ chợt ước, một số tác phẩm báo chí của Nguyễn Hồng Thái có thể trở thành giáo trình cho sinh viên các trường báo chí đọc, hiểu, ngẫm và thực hành khi các em đi thực tập để các bài báo cướp, giết, hiếp không nhan nhản như hiện nay, để những thông tin từ ca sĩ X mang thai đôi đến diễn viên điện ảnh Y vừa đi phẫu thuật sau li hôn không lan tràn các trang báo mạng, mà các thế hệ làm báo trẻ sẽ viết từ tâm, biết lan tỏa yêu thương. Nếu viết về cái ác cũng phải lí giải được nguyên nhân, đọc một thông tin không vui, cũng tìm thấy "đường sáng" trong mọi hoàn cảnh như tên một tác phẩm báo chí của anh viết về người cậu mù lòa quê Nghê An đăng trên báo An ninh thế giới cuối tháng.

Tôi không phải là người viết chuyên nghiệp. Tôi chỉ là một người em nhỏ của nhà báo Nguyễn Hồng Thái, tình cờ mà gặp. Tôi viết về anh không phải như một nhà phê bình báo chí. Tôi chỉ là một độc giả bình dân, thấy kính những việc anh làm, trọng những điều anh sống và cảm phục những nhọc nhằn gieo chữ mà anh đã trải hơn mấy chục năm làm báo của mình.

Ở tuổi 60, khi đã "cạch đường tàu" như chữ anh dùng, không để thăng chức, thêm quyền, anh vất vả bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Nguyễn Hồng Thái thống nhất trong một tình yêu Nghệ, một tính cách Nghệ: cần cù, ham học, từ tâm. Hi vọng bài viết nhỏ này của tôi lại giống như một bông hoa bồ công anh gieo niềm vui cho anh, cho đồng nghiệp của anh, cho độc giả chúng tôi mầm thiện. "Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi". Vậy là đủ đầy ý nghĩa.