Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà chờ xe buýt: Điệp khúc giải tỏa - tái lấn chiếm!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xe ôm, hàng rong, ô tô, xe máy… thường xuyên chiếm dụng các điểm đỗ, dừng của xe buýt làm nơi đỗ xe, bán hàng, chờ đón khách đang là thực trạng diễn ra phổ biến.

Vi phạm trầm trọng đến mức, nhiều xe buýt không thể vào điểm đỗ phải dừng giữa đường để đón, trả khách.

Đụng đâu cũng thấy vi phạm

Hiện nay hầu hết các điểm dừng, đỗ, nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, đỗ xe ôm đón khách, dừng, đỗ ô tô gây cản trở giao thông, biến thành điểm tập kết rác, dán tờ rơi rao vặt quảng cáo. Thậm chí, có nơi bị những người thiếu ý thức tiểu tiện bậy bạ, gây ô nhiễm, mất vệ sinh công cộng. Ông Nguyễn Ngọc Khang, Trưởng Trung tâm Kiểm tra, giám sát Transerco cho biết, vi phạm lấn chiếm nhà chờ xe buýt xảy ra nhiều nhất là các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân…

Để bảo đảm TTATGT, tạo điều kiện để xe buýt phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, từ cuối tháng 10 vừa qua, Transerco, Thanh tra Sở GTVT, CSTT đã phối hợp triển khai lực lượng giải tỏa các vi phạm lấn chiếm nhà chờ xe buýt. Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành, phóng viên đã có mặt tại điểm "nóng" về lấn chiếm tại nhà chờ xe buýt tại trước số nhà 81 phố Trần Nhật Duật. Tại đây chúng tôi nhận thấy, nhà chờ đã bị "chia năm xẻ bảy" để bán hàng nước, bán bánh my, thậm chí để đựng bếp lò, đồ đạc của những hàng quán xung quanh. Khi thấy bóng lực lượng chức năng, một số hàng quán, xe ôm đã bỏ chạy, nhưng nhiều vi phạm vẫn bị lập biên bản, xử phạt. Tại điểm dừng xe buýt số 369 Hồng Hà, khi lực lượng liên ngành có mặt, rất nhiều xe ôm đỗ tại đây vẫn không biết mình vi phạm, chỉ đến khi bị lập biên bản mới nhận ra hành vi lấn chiếm nhà chờ của mình. Nhà chờ xe buýt đối diện số 16 Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) bị các quán bán hàng xếp thùng xốp, đồ đạc chiếm dụng. Lòng đường bị ô tô đỗ choán hết vị trí dành cho xe buýt ra vào đón, trả khách. Trên đường Đại Cồ Việt, phần lớn các điểm dừng đỗ cũng thường xuyên bị quán nước mía, xe ôm chiếm dụng khiến hành khách đi xe buýt phải đứng dưới lòng, lề đường chờ xe, gây mất TTATGT.

Không chỉ bị chiếm dụng, các nhà chờ xe buýt còn nhanh hư hỏng, xuống cấp do những người thiếu ý thức phá hoại. Những tấm mica bảo vệ bản đồ các tuyến xe buýt thường xuyên bị đập phá và bóc dỡ, vách nhà chờ bị bôi bẩn gây mất vệ sinh.

Tái lấn chiếm bao giờ chấm dứt?

Chỉ trong vòng 15 ngày kiểm tra, xử lý, lực lượng liên ngành đã lập biên bản 94 ô tô, xe máy vi phạm, giải tỏa hàng chục nhà chờ bị lấn chiếm. Nhưng, những nơi tập trung đông hành khách cũng là điểm hút hàng rong, quán nước, xe ôm nên đang có tình trạng giải tỏa xong lại bị tái lấn chiếm. Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Hai Bà Trưng Trần Việt Hải bức xúc cho biết: Cứ giải tỏa xong một thời gian, đâu lại vào đấy như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cũng theo ông Hải, với mức phạt 90.000 đồng đối với mỗi lái xe ôm vi phạm và tạm giữ bàn ghế nhựa của hàng rong, thì rất khó tạo sự răn đe cho các vi phạm.

Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong đợt ra quân này, ngoài lực lượng 12 đội TTGT địa bàn còn có 6 tổ công tác chuyên đề thuộc Thanh tra Sở GTVT cùng với các lực lượng liên ngành được chia thành nhiều mũi xuống các quận. Tất cả các trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm.

Có thể nói, sau đợt ra quân rầm rộ vừa qua, các "điểm nóng" về lấn chiếm nhà chờ xe buýt đã được giải tỏa, xử phạt nhưng để tránh được tình trạng tái lấn chiếm sau giải tỏa đang là vấn đề chưa có lời giải. Bởi thực tế, trong những năm qua, có không ít lần các lực lượng chức năng của thành phố đã ra quân giải tỏa các vi phạm nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt nhưng sau đó lại bị tái lấn chiếm. Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, ngoài việc lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý thì cũng rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Theo thống kê của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), hiện trên địa bàn Hà Nội có trên 1.200 điểm dừng và nhà chờ xe buýt, nhưng có tới hơn 600 điểm bị chiếm dụng.