70 năm giải phóng Thủ đô

Nhà đầu tư đang “bỏ quên” phân khúc bất động sản nhà ở dưỡng lão

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại Việt Nam, phân khúc bất động sản nhà ở, viện dưỡng lão chăm sóc sức khỏe cho người già vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức và chưa đạt yêu cầu trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng gia tăng.

Dân số già hóa nhanh

Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2009 quy định người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Theo nhóm tuổi thì người cao tuổi gồm có những người sơ lão (60 - 69),  người trung lão (70 - 79) và người đại lão (từ 80 tuổi trở lên).

Theo sách chuyên khảo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam” của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2009 số lượng người cao tổi tương ứng 7,45 triệu (chiếm 8,68% tổng dân số) và nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 11,41 triệu (chiếm 11,86%). Tính trung bình trong giai đoạn 2009 - 2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh.

Căn cứ vào tỷ lệ trên, dự báo đến năm 2029, số lượng người cao tuổi sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,5%); đến năm 2038 là 22,29 triệu người (chiếm 20,21%); và đến năm 2069 sẽ đạt 28,61 triệu người (chiếm 27,11%). Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là hai vùng có tỷ lệ người cao tuổi nhiều nhất.

Cụ thể, Hà Nội có hơn 1 triệu người; Thanh Hóa hơn 514.000 người; Nghệ An trên 408.000 người, Thái Bình là 347.830 người. Trong khi đó, khu vực phía Nam, như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai lần lượt có 841.005 người và 278.159 người trên 60 tuổi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, dự kiến đến năm 2030 thì 17% dân số nước ta sẽ bước vào giai đoạn già hóa, nghĩa là cứ 5 người thì có 1 người trên 60 tuổi. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng được cải thiện trong những năm gần đây, điển hình là tính đến năm 2019, tuổi thọ trung bình là 73 tuổi (nam 71 tuổi, nữ 76 tuổi).

 

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang hình thành hiện chiếm 13% dân số, dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026; cùng với đó dự kiến sẽ có khoảng 5,3 triệu người Việt ở nước ngoài trở về quê tĩnh dưỡng tuổi già. Thời gian gần đây, rất nhiều tập đoàn, DN lớn bắt đầu tham gia vào việc phát triển loại hình BĐS dưỡng lão. Tuy nhiên, phân khúc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, số lượng dự án nghỉ dưỡng dưỡng lão được đầu tư bài bản vẫn rất ít so với số lượng BĐS nghỉ dưỡng “nhắm” vào giới trẻ.

“Ngoài những mặt tích cực, thì sự già hóa dân số mang đến nhiều thách thức cho vấn đề an sinh xã hội, y tế, đặc biệt là y tế công cộng. Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc sức khỏe lâu dài cho người già với đòi hỏi cao về lực lượng chăm sóc có kĩ năng, trong một môi trường thân thiện ngày càng gia tăng, nhất là tại các TP lớn. Nhưng hiện tại, hệ thống điều dưỡng dành cho người già trong hệ thống y tế toàn quốc đang rất thiếu, do đó đòi hỏi nhu cầu bức thiết về viện dưỡng lão tư nhân, để đáp ứng nhu cầu của nhiều người già tại nước ta” - PGS.TS Lê Văn Truyền đánh giá.

Thiếu nguồn cung

Hiện nay, do xu hướng sống độc lập của những người trẻ, nên tỷ lệ người cao tuổi sống một mình tăng lên theo thời gian (từ 9,68% năm 2009 lên 13,74% năm 2019) và tăng ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Tỷ lệ người cao tuổi chỉ sống với vợ hoặc chồng cũng tăng lên (từ 8,69% năm 2009 lên 14,09% năm 2019), tăng ở cả hai khu vực, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Trong khi đó, nhóm dân số già luôn phải đối mặt với các khó khăn trong hoạt động hàng ngày về nhìn, nghe, vận động, nhớ hoặc tập trung giao tiếp... Hơn thế nữa, hiện nay, quan điểm của người dân về nhà ở dưỡng lão đã có sự thay đổi, việc đưa cha mẹ tới sinh sống tại viện dưỡng lão không đồng nghĩa với việc con cái họ không yêu thương cha mẹ. Đồng thời, người già cũng có xu hướng muốn được sống trong cộng đồng có các bạn già để chia sẻ buồn vui, có bác sĩ, y tá theo dõi sức khỏe hàng ngày.

Nhu cầu BĐS nhà ở dưỡng lão cao, nhưng thị trường đang thiếu nguồn cung.
Nhu cầu BĐS nhà ở dưỡng lão cao, nhưng thị trường đang thiếu nguồn cung.

“Như vậy có thể nói, nhu cầu chăm sóc dài hạn của người cao tuổi ngày càng tăng cao trong những năm tới. Nhưng theo thực tế khảo sát và thống kê của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), tính đến năm 2021, nước ta có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Trong số 63 tỉnh thành cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi, phần lớn thuộc khu vực tư nhân. Tức là, không đạt mức bình quân mỗi tỉnh thành một trung tâm và đa số các cơ sở này chưa đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người dân” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho hay.

Già hóa dân số nhanh và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng đang tạo ra những cơ hội song hành với những thách thức cho Việt Nam. Phát triển BĐS dưỡng lão vừa là một giải pháp hiệu quả với những thách thức này, vừa mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội khác, bên cạnh những cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhà nước. Dịch vụ tư nhân cung cấp không gian, hạ tầng và tiện ích theo xu hướng nghỉ dưỡng dưỡng lão “luxury resort”, đáp ứng nhu toàn diện nhu cầu cho người cao tuổi cũng có tiềm năng rất lớn để phát triển, do tầng lớp trung lưu hàng năm ngày càng tăng.

Qua số liệu khảo sát cho thấy,người cao tuổi có xu hướng chuyển đến sống ở nông thôn. Vì vậy các chuyên gia cho rằng, các nhà phát triển dự án có thể đón đầu cơ hội, phát triển phân khúc BĐS dưỡng lão ở những khu vực vùng ven đô thị lớn. Đây là những khu vực có hệ thống hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, việc di chuyển đến sẽ không còn là trở ngại. Lựa chọn này không những cung cấp môi trường trong lành, phù hợp với mong muốn tĩnh dưỡng tuổi già mà còn giúp DN giảm thiểu chi phí.