“Giọt nước” đã sẵn “tràn ly” từ các vụ việc ở cơ sở mầm non Sen Vàng, trường THPT Phan Đình Phùng và trường Tiểu học Nam Trung Yên đang làm ầm ĩ trong công luận, giờ lại càng khiến người ta đặt câu hỏi về nhân cách, đạo đức nhà giáo.
Không còn là sự lo lắng, trách cứ từ phía phụ huynh nữa, mà chính những người trong nghề giáo còn phải chua xót lên tiếng: Không thể chấp nhận việc giáo viên (GV), đặc biệt là ở cương vị Hiệu trưởng lại bưng bít thông tin, gây sự phẫn nộ từ dư luận xã hội. Không bàn đến nữa chuyện cô giáo mầm non cầm dép đánh trẻ ra sao, taxi va chạm khiến trẻ phải nằm viện thế nào, vết bỏng hóa chất sẽ ảnh hưởng đến nhan sắc của cô gái mới lớn nhiều hay ít, song điều khiến ai nấy không thể ngồi im là di chứng để lại sau cách hành xử của những con người đang khoác trên mình cái danh cao quý: Nhà giáo.
Hướng dẫn học sinh luyện viết chữ tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Trung Việt |
Bởi rõ ràng, nếu không vì một lý do cá nhân nào đó, thì cách dạy trẻ rất thiếu giáo dục ở cơ sở mầm non Sen Vàng đã “lưu hành nội bộ”. Và như thế, trường vẫn hoạt động bình thường, cô giáo không kỹ năng sư phạm mầm non có thể vẫn đứng lớp, và trẻ sẽ còn tiếp tục nhận những bài học được dạy bằng… dép, còn cha mẹ hàng ngày vẫn đưa con đến gửi cô bằng tất cả sự cậy tin của người lớn. Nếu không có lời tự bạch về bản thân trên Facebook của Diệu Anh, thì ai biết được chuyện nhà trường Phan Đình Phùng cố tình giấu nhẹm đi việc xảy ra trong phòng thí nghiệm, thờ ơ đến vô cảm với tai nạn mà học sinh (HS) phải gánh chịu. Nếu không có sự bất bình của gia đình đứa trẻ bị taxi va chạm gãy chân và lòng tự trọng của người lái taxi, thì ai biết được một vị đường đường là hiệu trưởng ngang nhiên ngồi trên taxi đi vào sân trường, thấy trẻ ngã vẫn lạnh lùng ngoảnh mặt làm ngơ đi về phòng riêng; rồi đã không thăm hỏi, quan tâm đến HS, lại còn phát phiếu khảo sát tới 100% cán bộ, GV, HS trong trường để làm chứng mình vô can… Ai giải mã được vì sao GV của trường Tiểu học Nam Trung Yên lại nhất trí nói rằng không có taxi đi vào sân trường, trong khi vợ chồng người lái taxi không thể đành lòng nói ra rằng: Đã để lại số điện thoại cá nhân ở trường để nếu có chuyện gì thì gọi… Không lẽ tự nhiên mà những dòng chữ đầy bức xúc và như không tiếc lời cứ xao xác trên mạng xã hội: “Nhiều người bảo đạo đức của cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên xuống cấp, xói mòn, nhưng cô này có đạo đức đâu mà xói mòn”; “Nếu thật sự vô can, cô Hiệu trưởng có cần thiết khảo sát như thế không? Cứ như thế hỏi sao lớp trẻ không giả dối!”; “Làm vậy thì nơi đây các cô giáo của trường nên gạt bỏ bài dạy về lòng trung thực”; “Hiệu trưởng giả dối thì thôi rồi, hỏng cả thế hệ mai sau, hỏng cả hệ thống giáo dục, thảm họa suy đồi đạo đức”...
Cơ sở mầm non Sen Vàng đã phải giải thể, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng đã phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách, tập thể nhà trường phải kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc, chỉ còn trường Tiểu học Nam Trung Yên. Riêng vụ việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: “Cách hành xử như vậy không ổn trong môi trường sư phạm giáo dục!... Không nên để các Hiệu trưởng có tư cách đạo đức như thế quản lý trường, nhất là trong lúc chúng ta đang nỗ lực nâng cao chất lượng môi trường giáo dục!”. Vậy thì UBND quận Cầu Giấy cần phải nghiêm khắc và khẩn trương vào cuộc, đừng tiếp tục ngồi chờ chỉ đạo từ cấp trên. Sai phạm của trường thuộc trách nhiệm của quận, con người nơi đó cũng thuộc quyền quyết định của quận, lẽ ra quận phải chủ động nắm bắt, chấn chỉnh, xử lý sai phạm ngay từ khi thông tin vừa hiện diện, chứ không phải chần chừ ngồi đợi để cái sai nối tiếp cái sai như vậy! Tinh thần của “Năm kỷ cương hành chính 2017” đã phát đi, Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội cũng đã được ban hành, hãy khẩn trương loại đi những cái xấu để di chứng của cách hành xử xấu không làm nhòe hình ảnh đẹp của Hà Nội!
Tại Điều 5, chương II và Điều 7, chương III Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội yêu cầu: - Tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan trong thực thi công vụ; gương mẫu về đạo đức và lối sống. - Trung thực, thẳng thắn, khách quan trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến với cấp trên. - Không phát tán, tung tin bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác - Nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót. PGS.TS Văn Như Cương - Chủ tịch trường THPT Lương Thế Vinh: Cần có hình thức xử lý đích đáng Đọc thông tin trên báo và thấy lời khai của ông Tuấn - lái xe taxi chở cô Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên và một cô khác từ bệnh viện về trường, khi đi cửa sau vào trường có va vào một em HS. Nếu những lời khai của ông ấy là sự thật, đối chiếu với thông tin cô Bích Ngọc nói là không đi xe taxi, sau đó lại nói có đi, không đụng vào ai. Cô ấy lại còn phát phiếu khảo sát, khiến sự việc thêm phức tạp, quả thật là tôi rất hoang mang. Một người bình thường khi đi đường, nếu nhìn thấy xe của người khác đụng phải cụ già hay em nhỏ, họ sẽ xuống xe nâng người bị ngã dậy. Nếu thấy cụ già hoặc em bé bị thương, họ sẽ tìm cách đưa đến bệnh viện cấp cứu. Huống chi, em bé bị ô tô va vào là HS của trường, thế mà cô Hiệu trưởng lại như vậy. Không những thế, sự việc xảy ra bao lâu, khi phụ huynh HS bị xe đâm lên tiếng, cô Hiệu trưởng lại nói dối quanh co. Thật sự tôi lấy làm buồn và cho rằng cần có hình thức xử lý đích đáng. Không chỉ xử lý với tư cách Hiệu trưởng, mà cả GV. Về những ý kiến cho rằng cần kỷ luật cô ấy bằng hình thức cho ra khỏi ngành, tôi thấy cũng thích đáng. Không chỉ chuyện cô Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, tôi thấy câu chuyện xảy ra trong giờ thực hành môn Hóa học và cách xử lý của nhà trường cũng thật đáng trách. Chuyện xảy ra cả tháng trời mà trường không có động tĩnh gì, chỉ đến khi HS bị tai nạn quá bức xúc lên tiếng. Nhà trường nói có báo cáo lên Sở GD&ĐT Hà Nội nhưng Sở không có động thái gì cũng vô lý. Trường giấu nhẹm sự việc xảy ra là không nên, bởi trong một trường có đông HS, sẽ không tránh khỏi sai lầm. Khi sự việc xảy ra, nhà trường cứ thành thật nhận lỗi và sửa chữa. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Không thể chấp nhận Sự việc xảy ra ở trường Tiểu học Nam Trung Yên đã quá rõ. Đối với ngành giáo dục, rất cần sự trung thực, bởi hiện nay trong xã hội có quá nhiều chuyện nói dối. Sự việc vừa qua là nói dối không minh bạch. Người đứng đầu nhà trường phải thể hiện sự trung thực của mình trước GV, HS, tại sao cô Hiệu trưởng lại đối phó bằng cách nói dối? Và việc nhỏ như thế, cô ấy còn không trung thực, huống hồ bao nhiêu việc khác sẽ thế nào? Theo tôi, trước hết nếu sai thì nhận lỗi, như thế khuyết điểm sẽ nhẹ. Khi đã sai, lại còn nói dối thì không thể chấp nhận. Cho nên, tôi nghĩ một người như vậy không xứng đáng làm Hiệu trưởng của trường. Ngành giáo dục luôn dạy cho HS sự trung thực. Đối chiếu với yêu cầu của ngành, một người nói dối không xứng đáng làm trong ngành giáo dục. Chuyện của trường Tiểu học Nam Trung Yên, Mầm non Sen Vàng, THPT Phan Đình Phùng đã cho thấy tương đối rõ. Cô giáo không được phép cầm chiếc dép đánh HS, nhà giáo không thể nào nói dối cũng như thiếu trung thực… Để đạo đức nhà giáo tốt hơn, phải căn nguyên từ nơi đào tạo, đó là gốc rễ của nó. Ngành giáo dục cũng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chứ không thể xuê xoa. Trong các trường đào tạo GV, phải làm cho giáo sinh hiểu làm nhà giáo phải hết lòng, tận tụy với HS. Với những người đã đi dạy học, luôn phải rèn luyện, bồi dưỡng làm nghề để thể hiện đúng tư cách của người thầy. Ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng trường THPT WellSpring: Cần thẳng thắn nhận lỗi Với cương vị là một Hiệu trưởng, lẽ ra nên dũng cảm nhận trách nhiệm. Điều đáng buồn là dư luận lại chứng kiến sự đùn đẩy trách nhiệm: Khẳng định cháu bé bị ngã do nô đùa, phát phiếu khảo sát chứng minh nhà trường vô can, thay đổi ý kiến vì chợt nhớ ra có taxi đi vào trường… đã đẩy sự việc từ đơn giản thành to tát. Người bình thường, công chức, viên chức hay nhà giáo cần thẳng thắn, trung thực nhận lỗi, nhận trách nhiệm. Đặc biệt, người GV, nhất là người làm quản lý lại càng cần trung thực, nhận lỗi để bản thân mình tốt hơn, để xã hội không bức xúc lên án. Vụ việc Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên có lẽ do cô đã “đâm lao phải theo lao”, dẫn đến sự việc ngày càng diễn biến phức tạp. Theo tôi, giữa công luận và nhà giáo nên nhìn nhận sự việc, làm sao để cô Hiệu trưởng có cơ hội nhận lỗi. Tôi tin cháu bé nói thật, có sự va chạm ấy. Cứ cho trên xe không phải là cô giáo ngồi, nhưng cho ô tô đi vào sân trường va vào HS, là người lãnh đạo, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Hiện, diễn biến vụ việc phức tạp, theo tôi, cơ quan chủ quản (nơi bổ nhiệm) cần có quyết định xử lý vụ việc nghiêm khắc, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng tội. Đây cũng là vấn đề rút kinh nghiệm không chỉ cô giáo này mà cho tất cả đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức khác: Cần sự trung thực, dũng cảm nhận trách nhiệm. |