Ngày 14/5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: thực hiện chủ trương phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) cho lĩnh vực KHCN với mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Lãnh đạo TP xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo.
Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 chương trình KHCN cấp thành phố và chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100%, các đề tài, đề án được áp dụng khoảng 90%.
Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần hằng năm (năm 2023 là 62,86%). Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc.
Đáng lưu ý, hai năm liên tục (2022, 2023), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Hà Nội có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước; số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Trên địa bàn TP có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực.
Đặc biệt, thời gian qua, thành phố đã triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong quá trình triển khai, thành phố đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tham gia góp ý, tư vấn, phản biện rất tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Đến nay, 2 quy hoạch của Thủ đô đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị và đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình, xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.
“Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, lãnh đạo thành phố mong muốn được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo, cùng đồng hành xây dựng Thủ đô Hà Nội "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Đánh giá cao việc Thủ đô Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển KHCN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhận định: thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng tích cực, đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Bằng hoạt động của mình, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đạt được nhiều thành tựu trong những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế để Thủ đô phát triển bền vững
Tại hội nghị, lãnh đạo TP đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung; trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Những vấn đề liên quan đến đô thị, đời sống của người dân đô thị Hà Nội đang tồn tại bất cập, cần có lộ trình khắc phục. Những việc này rất khó nhưng nếu quyết tâm và áp dụng khó học công nghệ vào quản trị thì chắc chắn sẽ làm được. TP xem xét những vấn đề này, thấy khâu nào có thể giao cho đội ngũ cán bộ khoa học đảm nhận thì chúng tôi sẵn sàng tham gia với tâm huyết, trách nhiệm cao nhất.
PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội
TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội trân trọng cảm ơn TP đã tạo điều kiện để đội ngũ trí thức KHCN có dịp được gặp gỡ, lắng nghe tâm tư tình cảm và được nghe thông tin, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, được nghe những định hướng cho nghiên cứu khoa học để đội ngũ trí thức có thể hiến kế, bám sát vào các định hướng và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô.
TS Lê Xuân Rao cũng đề nghị TP giao Liên hiệp Hội tập hợp đội ngũ trí thức cả trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, cơ chế chính sách, các nghị quyết của Thủ đô và đề xuất các ý kiến, giải pháp xử lý những lĩnh vực nóng, cấp thiết.
Từng có nhiều năm gắn bó với hoạt động KHCN của Hà Nội thuộc lĩnh vực môi trường, GS.TS Đặng Thị Kim Chi khuyến nghị những giải pháp trọng tâm để bảo vệ môi trường Hà Nội, hướng tới Thủ đô xanh, sinh thái và phát triển bền vững.
GS.TS Đặng Kim Chi mong muốn chính quyền Hà Nội có nhiều biện pháp tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân Hà Nội. Cùng với đó, TP chọn lọc, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu KHCN để đưa vào cuộc sống; đồng thời xây dựng các cơ chế ưu đãi cho việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường có hiệu quả. Đơn cử như, sắp tới Hà Nội sẽ áp dụng phân loại rác tại nguồn, quy hoạch các hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý các loại chất thải đã phân loại… theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Do đó, việc cần làm hiện nay là TP cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc phân loại rác tại nguồn; định mức, định giá thu gom vận chuyển phù hợp đặc thù của khu vực nội đô, khu vực trung tâm, khu vực đô thị xen kẽ vùng nông thôn và các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, TP cũng cần đặc biệt lưu ý đến giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại các sông nội thị (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…); lưu ý đầu tư bảo vệ các hồ, ao, đầm hiện hữu tại các khu vực dân cư một cách hiệu quả, khả thi. Song song đó là phát triển bền vững các làng nghề truyền thống bằng việc đưa các hoạt động bảo vệ môi trường vào hương ước của làng, thôn.
Quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, GS Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đề xuất, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chẳng hạn như, có cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô để thu hút nhân tài và nguồn lực (các viện hàn lâm, viện nghiên cứu, các trường Đại học trong nước và quốc tế). Song song đó là quan tâm đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các mô hình trình diễn công nghệ cao, tạo nền tảng cho việc hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp. Qua đó, chứng minh được vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nguồn lực và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; huy động nguồn lực từ người dân, hợp tác xã trong sản xuất nông sản thế mạnh, sản phẩm đặc thù của Hà Nội.
“Với những giải pháp nêu trên, chắc chắn nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển theo hướng đa giá trị, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành địa điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn lý tưởng của khu vực và trên thế giới.” – GS Trần Đình Long bày tỏ sự tin tưởng.
Hà Nội tiếp tục quan tâm, động viên, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học không ngừng lớn mạnh; tiếp tục tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, tham mưu cho TP có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Những ý kiến, nguyện vọng của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được tổng hợp đầy đủ và gửi tới Thường vụ, Thường trực Thành ủy để xem xét, bàn thảo có cơ chế hợp tác giữa TP Hà Nội với đại diện đội ngũ các nhà khoa học là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh