Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà nông vào vụ Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không khí Tết đã tràn ngập trên khắp phố phường khu vực nội thành Hà Nội. Tại các huyện, rất nhiều mặt hàng nông sản đặc sản và sản phẩm làng nghề đã sẵn sàng phục vụ cho thị trường Tết.

Hàng đặc sản bán chạy

Các loại trái cây sản đặc sản của Hà Nội như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương (Hoài Đức) đang “chạy hàng”. Chị Nguyễn Thanh Lan, thôn Văn Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm cho biết, gia đình chị trồng hai vườn bưởi Diễn, thu hoạch được 1.500 quả. Những quả to bán được giá 50.000 đồng/quả, quả nhỏ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/quả. "Dịp Tết năm nay, người tiêu dùng ưa các loại trái cây trong nước hơn. Tuy giá bán chỉ cao hơn Tết năm ngoái 2.000 - 3.000 đồng/quả nhưng đầu ra rất thuận lợi" - chị Lan phấn khởi.

Cùng với bưởi Diễn, cam Canh cũng rất đắt khách. Tại các vùng trồng cam Canh như Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, không khí thu hoạch, mua bán luôn tấp nập. Nhiều ngày nay, cứ 3 - 4 giờ chiều là chợ hoa quả đầu mối xã Cao Viên, huyện Thanh Oai lại nhộn nhịp kẻ mua người bán cam Canh. Ông Đỗ Tiến, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Cao Viên cho biết, với diện tích trên 30ha, năm nay sản lượng cam Canh toàn xã đạt 300 - 400 tấn quả. Không chỉ bán chạy, giá cam Canh cũng cao hơn so với năm ngoái. Hiện cam loại 1 có giá 80.000 đồng/kg, loại bình thường 50.000 đồng/kg.

Nhà nông vào vụ Tết - Ảnh 1

Cam Canh, một đặc sản nông nghiệp của Hà Nội được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thiện Quang

Một nông sản không thể thiếu trong ngày Tết là gạo nếp. Thời điểm này, các vùng chuyên canh nếp cái hoa vàng của huyện Đông Anh, hoạt động xay xát, mua bán gạo nếp diễn ra sôi nổi. Trong đó, riêng xã Liên Hà gieo cấy khoảng 20ha trong vụ Mùa 2012, sản lượng ước đạt gần 100 tấn. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích gieo cấy nếp cái hoa vàng toàn TP trong năm 2012 đạt 1.200ha, tập trung tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai... với sản lượng hơn 5.500 tấn, đảm bảo nguồn tiêu dùng cho thị trường Thủ đô.

Làng nghề tấp nập

Tranh thủ những ngày nắng thời điểm gần Tết, các hộ sản xuất tại làng nghề hương trầm Xà Kiều, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa huy động nhân lực làm hết công suất máy để cung ứng hương cho thị trường.  Ông Lý Đình Như, chủ cơ sở sản xuất hương nhãn hiệu Thảo Nguyên Hương, thôn Xà Kiều phấn khởi cho biết, hiện mỗi ngày gia đình ông sản xuất được 1 tạ hương, tương đương 5 vạn que, cao gần gấp đôi thời điểm bình thường. Mặc dù giá bán tăng nhẹ so với Tết năm ngoái nhưng các dòng hương truyền thống như hương Tuyệt kỹ, Huynh đệ, Tỷ muội... đều rất chạy hàng. Hiện giá bán hương khoảng 25.000 đồng/bó 100 que; hương vòng có giá 50.000 đồng/hộp; hương sào dài 30.000 đồng/bó 10 que...

Càng gần về Tết, các hộ sản xuất trong làng nghề giò chả Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai càng nhận được nhiều đơn hàng. Theo các hộ nghề, năm nay, giá giò, chả tương đối ổn định, không tăng nhiều so với năm trước. Cụ thể, giò lụa có giá 150.000 đồng/kg, giò bò 200.000 đồng/kg, dăm bông 150.000 đồng/kg... Còn tại làng nghề sản xuất kẹo lạc, kẹo dồi xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, từ Rằm tháng Chạp đến nay, toàn bộ các hộ sản xuất luôn đỏ lửa làm kẹo từ sáng tới tối. "Năm nay bánh kẹo Tết của làng nghề rất chạy hàng, sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết từng đó" - bà Nguyễn Thị Liên, cán bộ Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết.

Tất cả hộ sản xuất nông nghiệp, làng nghề đang hối hả vào vụ thu hoạch quan trọng nhất trong năm. Những sản vật thơm ngon, độc đáo của Thủ đô đã góp phần làm phong phú và tăng thêm hương vị cho mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình.

Tại Hội hoa - chợ Tết 2013, 10 nông sản của Hà Nội đã được tôn vinh gồm: Rau an toàn Vân Nội (Đông Anh), rau an toàn Duyên Hà (Thanh Trì), sữa Ba Vì, chè sen Tây Hồ, gạo nếp cái hoa vàng Đông Anh, bưởi đường Quế Dương (Hoài Đức), rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), cam Canh (Hoài Đức), chè sạch Ba Trại (Ba Vì), nhãn muộn Hoài Đức.