Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà ở xã hội “giá trên trời”, người lao động khó “chạm tay”

Theo Chung Thủy/VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Giá nhà ở xã hội cao trong khi thu nhập của người lao động thấp. Để sở hữu được một căn nhà thì họ phải vay vốn ngân hàng, tuy nhiên, thủ tục vay vốn lại rườm rà, lãi suất cao, không được hưởng ưu đãi...

Đây là những lý do khiến việc sở hữu một căn nhà giá rẻ cho riêng mình của công nhân, người lao động ngày càng trở nên xa vời.

Sở hữu 1 căn nhà ở xã hội là bài toán khó với nhiều người công nhân, người lao động
Sở hữu 1 căn nhà ở xã hội là bài toán khó với nhiều người công nhân, người lao động

"Nhà ở xã hội không nhiều, nếu có thì thường cách xa nơi làm việc, đặc biệt, giá nhà cao, lương công nhân thấp. Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận được ngân hàng chính sách  nhưng thủ tục vay quá rườm rà và khó khăn. Tôi nhận thấy, cơ hội mua nhà của mình quá xa vời".

"Mức lương hiện tại của tôi dao động 7-8 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 14 triệu đồng. Số tiền đó bao gồm tiền sinh hoạt hàng ngày, nuôi 2 đứa con ăn học, chi phí điện, nước, thuê nhà, xăng xe, giá cả thì leo thang, chi tiêu thật tiết kiệm, mỗi tháng cũng chỉ để dư được khoảng 2 triệu đồng. Với số tiền như vậy thì làm sao mua được nhà, với tôi, mua được một căn nhà giá rẻ mãi chỉ là giấc mơ”.

“Lương người lao động không đủ chi tiêu, nếu muốn mua một căn nhà bình thường hay nhà ở xã hội thì phải vay ngân hàng. Với người lao động như chúng tôi rất khó tiếp cận nguồn vay, thủ tục vay lại rườm rà. Bây giờ các ngân hàng thương mại không cho người thu nhập thấp được hưởng ưu đãi, nếu vay phải chấp nhận lãi suất cao. Nếu chỉ làm công nhân thì không biết đến khi nào mới có thể mua được nhà ở”.

Nhà ở xã hội “giá trên trời”, người lao động khó “chạm tay” - Ảnh 1
Sở hữu 1 căn nhà ở xã hội là bài toán khó với nhiều người công nhân, người lao động

Trên đây là những chia sẻ của một số công nhân, người lao động tại khu Công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội mà PV đã ghi nhận được, những phản ánh của họ rất đúng với thực tế hiện nay. Mong ước có một chỗ ở ổn định để “lập nghiệp”, phù hợp với khả năng tài chính đã và đang là câu chuyện phổ biến của nhiều gia đình tại các thành phố, đô thị lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện, giá nhà ở tại Việt Nam cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người. Còn giá nhà ở xã hội tại một loạt dự án chung cư đã vào ở nhiều năm tại Hà Nội thì tăng khá mạnh, có nơi rao bán gấp 2 - 3 lần so với khi mở bán.

Điển hình, dự án nhà ở xã hội tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ban đầu được bán với mức giá khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đến nay, nhiều căn hộ tại đây đang được tìm mua với mức giá gấp đôi so với khi mở bán, khoảng 30 - 34 triệu đồng/m2. Ngoài ra còn nhiều dự án nhà ở xã hội khác còn được rao bán ngang giá với nhà ở thương mại đã qua sử dụng. Ngay cả dự án đang mở bán hiện nay cũng được phê duyệt mức giá lên tới gần 20 triệu đồng/m2, thay vì 13 - 14 triệu đồng/m2 như trước kia. Đây là những lý do khiến việc sở hữu nhà ở xã hội của người lao động ngày càng trở nên khó khăn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho hay, việc sở hữu nhà ở xã hội của công nhân, người lao động là vấn đề khó giải quyết từ nhiều năm nay. Thực tế, thu nhập bình quân của người lao động hiện nay là rất thấp, để có thể mua được nhà ở xã hội thì người lao động mất khoảng 57 năm mới có thể mua được. Điều này cho thấy, bài toán giải quyết nhà ở xã hội cho người lao động ngày càng trở nên căng thẳng.

Việc mua một căn nhà ở xã hội nói riêng và 1 căn nhà bình thường nói chung ở Việt Nam, hầu hết phải huy động tổng thể các nguồn lực từ gia đình, xã hội, bạn bè, người thân để vay mượn thì mới có thể mua được. Một người lao động chỉ có đi làm, không ăn uống, chi tiêu thì cũng mất vài chục năm mới có thể mua được nhà. Để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, trước hết Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư, đảm bảo họ đầu tư và có lãi thì họ mới yên tâm tiến hành đầu tư dự án.

“Chính phủ phải làm rất nhiều việc mà trước hết phải có quy hoạch thật tỉ mỉ, cụ thể, có quỹ đất giao cho chủ đầu tư, có các ưu đãi hỗ trợ về cơ sở pháp lý cũng như các điều kiện cần thiết để khởi công dự án; Cùng với đó, hỗ trợ giấy tờ, thủ tục pháp lý, giảm thiểu chi phí cho chủ đầu tư, chi phí hỗ trợ về vốn vay, giúp chủ đầu tư yên tâm tham gia đầu tư với chi phí vốn thấp nhất; Cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà, giúp họ mua dễ dàng, nhanh chóng và khi chủ đầu tư làm ra sản phẩm thì lập tức họ có thể bán được và vòng quay của vốn có thể rút ngắn đi”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, để giải quyết bài toán khó sở hữu nhà ở xã hội vì giá thành cao thì Nhà nước cần kiểm toán giá thành để xem mức giá mà doanh nghiệp đưa ra có hợp lý hay không, từ đó điều chỉnh hoặc áp lại các mức giá ưu đãi cho phù hợp, tránh trường hợp doanh nghiệp lạm dụng hoặc thực hiện những hoạt động tính giá không hợp lý, gây thiệt hại cho người dân.

Cũng theo ông Phong, Nhà nước nên có quy chuẩn về các định mức xây dựng nhà ở xã hội dựa trên những ưu đãi đã được đưa ra. Cùng với những quy chuẩn về định mức xây dựng thì cũng nên có quy chuẩn về các tiện ích, chất lượng, yêu cầu về nhà ở xã hội, đảm bảo những chi phí đó mang tính chất chuẩn mực, tránh trường hợp sai lệch hoặc bị bao biện bởi lý do mà doanh nghiệp đưa ra không phù hợp.

Ông Phong nhấn mạnh thêm, cần thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội cân bằng với cơ cấu về sản phẩm bao gồm cả nhà mua bán, nhà cho thuê… Để tạo điều kiện cho người dân tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội thì cần nhiều biện pháp đồng bộ bao gồm: Nhà nước cần có quy hoạch, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; Rà soát lại chính sách, giảm thiểu chi phí đầu vào cho doanh nghiệp cũng như cho người dân trong việc tiếp cận và phát triển nhà ở xã hội; Giảm thiểu các thủ tục quản lý, các nghĩa vụ tài chính và chi phí không chính thức để từ đó tạo ra sự minh bạch cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Ngoài ra, nên có đường dây nóng và có các cuộc đối thoại với người dân, doanh nghiệp để tiếp nhận và xử lý kịp thời những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, hướng đến thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng của người dân.

“Hiện nay chưa có nhà ở xã hội chuẩn, có nhà ở xã hội chưa tới 1 tỷ, thậm chí hơn 1 tỷ đồng. Ở Bình Dương đã có nhà ở xã hội trên dưới 100 triệu đồng/căn. Như vậy, người dân chỉ cần bỏ ra vài chục triệu lần đầu sau đó trả góp thì vài năm cũng có thể sở hữu nhà ở xã hội. Cần phải có cơ cấu nhà ở xã hội phù hợp, đa dạng để đáp ứng được nhu cầu của người dân,  đó là những quỹ nhà từ nhỏ đến lớn, từ diện tích nhỏ cho đến diện tích cao hơn, giá cả cũng nên có nhiều mức độ để người dân tùy theo khả năng và nhu cầu của mình có thể tiếp cận được với nhà ở xã hội một cách phù hợp nhất”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.

Nhu cầu về nhà ở của người dân đang ngày càng cao nhưng số lượng nhà ở xã hội chưa nhiều, các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại, việc đạt được 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là bài toán rất khó, bởi đến thời điểm này mới hoàn thành được 157 căn. Trong vòng 6,5 năm nữa liệu có thể hoàn thành được 850.000 căn nhà không? Đây là con số rất lớn, nếu tốc độ xây dựng như hiện nay thì khó lòng đạt được mục tiêu đã đặt ra. Đây là vấn đề cần phải nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía Chính phủ để giúp chủ đầu tư có được điều kiện khởi công xây dựng dự án. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn hy vọng rằng, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý cũng như sự vào cuộc của các chủ đầu tư thì sẽ rút ngắn được thời gian xây dựng, từ đó thực thi tốt yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra là xây dựng được 1.060.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.