Nhà trọ bình dân – ẩn họa cháy nổ khôn lường: Bài 2: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Đạt Lê – Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tập trung nâng cao công tác PCCC nhưng tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Dù nhiều vụ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản nhưng ý thức của nhiều người dân vẫn còn hạn chế. Trong khi, lực lượng cứu hỏa lại gặp không ít khó khăn về giao thông, nguồn nước, trang thiết bị...

 Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại nhà dân ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Hồng Thái
Người dân tự chặn lối thoát hiểm

Qua khảo sát và đánh giá của lực lượng chức năng, những khu “nhà ổ chuột” chỉ được xây ghép bằng gỗ tấm và lợp nhựa tồn tại khắp nơi, khi hỏa hoạn xảy ra, ngọn lửa bùng phát rất nhanh khiến lực lượng chức năng trở tay không kịp. Loại hình nhà ở kết hợp cho thuê trọ cũng trong tình trạng ttương tự. Khi xảy ra cháy, người dân không biết các kỹ năng thoát nạn, nhiều trường hợp lối thoát nạn bị hàng hóa, vật cản ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong những vụ việc như vậy, lực lượng chữa cháy chỉ có thể ngăn chặn ngọn lửa không cháy lan sang các nhà khác.
Người dân không nên để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở gần nơi đun nấu, lối ra cửa chính. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong phòng. Xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải kín; tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. 

Thiếu tá Tô Hồng Nho - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội)
Báo cáo của Cảnh sát PCCC (Công an TP Hà Nội) cho thấy, trên địa bàn TP có 1.147 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực, tăng 555 cơ sở so với giai đoạn khảo sát bước đầu. Đáng chú ý, trong đó có 347 cơ sở trường học; 372 nhà chung cư, nhà tập thể, nhà cho thuê để ở; 198 xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa; 29 bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh; 29 chợ; 18 công trình công cộng, tập trung đông người; 11 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách; 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu...

Ngoài ra, Hà Nội hiện có hàng nghìn khu dân cư có ngõ nhỏ và sâu vài trăm mét. Các khu vực này dân cư đông đúc, nhà cửa chật chội, hệ thống dây điện chằng chịt, nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô. Trong khi đó, các gia đình đều chủ quan, ít trang bị thiết bị PCCC, nếu xảy ra hỏa hoạn, rất khó chữa cháy và giải cứu người. Bên cạnh đó, theo thống kê, Hà Nội có hơn 1.200 tuyến phố mà phương tiện chữa cháy chuyên dụng không tiếp cận được. Ngay cả phương tiện nhỏ nhất là xe chữa cháy mi ni công nghệ bọt khí nén cũng có kích thước lớn hơn hầu hết các ngõ, ngách này.

Thực trạng về nguy cơ cháy nổ dù đã được cơ quan chức năng, địa phương thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền nhưng vì nhiều lý do, người dân vẫn đang phải "sống chung với họa từ lửa". Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hỏa hoạn là hiểu biết sơ sài về công tác PCCC. Chỉ khi có những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản thì công tác PCCC mới lại được đặt ra.

Cần có chế tài xử lý

Theo Đội PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm, điều kiện thực tế trên địa bàn có nhiều phố cổ, phố cũ nên khi xảy ra cháy, việc chữa cháy ở các ngõ ngách gặp rất nhiều khó khăn. Hơn một năm nay, Đội đã triển khai sử dụng xe máy chữa cháy. Với phương tiện này, có thể tiếp cận ngay đến đám cháy, không vất vả như trước.

Chia sẻ về tồn tại trong công tác PCCC, Đội Phó Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông Lê Thị Ngọc Hà cho biết: Trường hợp xử lý vi phạm về PCCC vẫn còn một số bất cập, ví dụ loại hình nhà trọ lại không có danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Do đó, chưa có chế tài xử lý đối với loại hình nhà trọ này. Ngoài ra, hiện nay xu thế của nhà trọ được xây kiểu nhà ở kết hợp cho thuê trọ, do đó về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ cần có sự kết hợp giữa cảnh sát khu vực kiểm tra về hành chính và an toàn PCCC.

Cũng theo bà Hà, quan trọng hơn cả là nhận thức và ý thức PCCC của người dân. Mỗi người có ý thức, trách nhiệm thì không chỉ tránh được những thiệt hại đáng tiếc cho gia đình mà cả với người dân xung quanh. Ngoài lực lượng PCCC, các xã, phường cần tiến hành rà soát, phân loại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao để có các biện pháp tăng cường an toàn PCCC. Tiến hành lập phương án chữa cháy, khảo sát giao thông, nguồn nước, duy trì hoạt động của các đội PCCC dân phòng. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ để ứng phó với các sự cố cháy, nổ xảy ra.

(Còn nữa)