Hà Nội:

Nhà trường, học sinh nỗ lực duy trì nền nếp dạy và học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp đã ít nhiều làm xáo trộn tình hình học tập của học sinh phổ thông tại Hà Nội khi các nhà trường phải liên tục điều chỉnh, thay đổi kế hoạch và phương thức dạy học.

Với phương châm thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo chất lượng giáo dục nên các nhà trường, thầy cô, học sinh luôn nỗ lực duy trì nền nếp để dạy tốt, học tốt.

Điều chỉnh kế hoạch dạy học

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT, Hà Nội đã quyết tâm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ngoại thành và lớp 7 đến lớp 12 nội thành đến trường học trực tiếp. Ngành GD&ĐT Hà Nội quán triệt, thống nhất tới các nhà trường về công tác chuẩn bị kế hoạch, phương án để tổ chức học sinh học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như chất lượng giáo dục.

Các trường học Hà Nội có nhiều điều chỉnh về hình thức học do dịch bệnh và thời tiết
Các trường học Hà Nội có nhiều điều chỉnh về hình thức học do dịch bệnh và thời tiết

Với tinh thần “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, các nhà trường duy trì song song giữa dạy trực tiếp và trực tuyến để các em thuộc diện F0, F1 cũng như trường hợp không đến lớp vẫn được đảm bảo quyền lợi học tập. Cùng một lúc đảm nhận nhiều phần việc và ngay cả khi gặp nhiều khó khăn, rào cản do số ca nhiễm trong trường học tăng cao cũng như một bộ phận phụ huynh chưa thực sự yên tâm khi cho con đến lớp nhưng các thầy cô giáo, nhà trường vẫn thể hiện tinh thần quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học bởi nhiều ý nghĩa tích cực nó mang lại.

Theo kế hoạch trước đó, từ 21/2, học sinh tiểu học, lớp 6 nội thành sẽ được đến trường; tiếp đến từ 1/3, Hà Nội dự kiến mở cửa trường mầm non để đảm bảo 100% học sinh Thủ đô được đi học trực tiếp. Tuy vậy, dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng thời tiết mưa rét khắc nghiệt, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Hà Nội đã mạnh dạn đưa ra điều chỉnh, đó là tạm hoãn cho học sinh tiểu học, lớp 6 nội thành đến trường; tiếp tục duy trì học trực tiếp với lớp 7 đến lớp 12 nội thành và lớp 1 đến lớp 12 ngoại thành như trước. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có văn bản lưu ý các trường học có thể chuyển sang hình thức học online căn cứ thời tiết thực tế. Văn bản được đưa ra vào dịp cuối tuần, do vậy, các trường học đã kịp thời điểu chỉnh kế hoạch học tập của trường mình; thông báo đầy đủ cho phụ huynh, học sinh nắm được và thực hiện.

Thuộc khu vực ngoại thành, trường Tiểu học và THCS Newton 5 (Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai) tổ chức cho học sinh từ khối 7 trở lên học trực tiếp từ ngày 8/2 và học sinh tiểu học, lớp 6 đến trường từ 10/2. Kế hoạch, phương án, cơ sở vật chất của trường đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản. Trường cũng liên tục có sự điều chỉnh về thời khóa biểu để phù hợp với tình hình thực tế của từng tuần học. Mặc dù số ca nhiễm Covid- 19 trong học sinh và giáo viên tăng mỗi ngày nhưng nhờ thực hiện tốt công tác rà soát, báo cáo, phân luồng, nhà trường vẫn kiên trì hình thức dạy học trực tiếp song song trực tuyến trong hơn 10 ngày và nhận được sự đồng thuận lớn từ phụ huynh. Trên tinh thần thực hiện đúng chỉ đạo và lắng nghe ý kiến từ nhiều phía cũng như căn cứ diễn biến dịch bệnh và thời tiết, từ 21/2, nhà trường quyết định chuyển hoàn toàn từ học trực tiếp sang học trực tuyến đến khi có thông báo mới để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa thực hiện tốt công tác dạy học; trong đó có sự đồng đều trong tiếp thu kiến thức của học sinh.

Cố gắng giữ nền nếp và mạch kiến thức

Trong một thời gian ngắn, các học sinh từ học trực tuyến chuyển sang học trực tiếp; học song song giữa trực tuyến- trực tiếp; đã chuẩn bị tinh thần được đến lớp nhưng nay lại thông báo tiếp tục duy trì hình thức học trực tuyến. Sự thay đổi liên tục giữa các hình thức học tập với nhiều thông báo, nội dung mới đã trở thành một thách thức khá lớn, đòi hỏi kế hoạch học tập cùng tinh thần thích ứng của giáo viên, học sinh là rất lớn; trong đó có thái độ tích cực phối hợp và đồng hành của cả phụ huynh.

Dù học trực tiếp hay trực tuyến, giáo viên vẫn cố gắng đảm bảo nền nếp và kiến thức cho học sinh
Dù học trực tiếp hay trực tuyến, giáo viên vẫn cố gắng đảm bảo nền nếp và kiến thức cho học sinh

Với các trường tiểu học và lớp 6 nội thành, do mới xây dựng kế hoạch học trực tiếp chứ chưa thực hiện nên việc duy trì hình thức học trực tuyến không gây nên sự xáo trộn hay thay đổi từ phía học sinh. Chương trình và hình thực học tập tiếp tục được duy trì như trước. Với các khối còn lại, đặc biệt là cấp tiểu học ngoại thành, nhiều trường học đã có sự điều chỉnh kế hoạch học tập để thích ứng với tình hình mới.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Oanh cho biết, nhà trường vừa ra thông báo đến phụ huynh về việc phòng chống rét đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Theo đó, từ ngày 10/2, nhà trường triển khai cho học sinh đến trường học trực tiếp. Công tác đón học sinh trở lại trường được thực hiện đảm bảo; tuy nhiên, do thời tiết có diễn biến phức tạp nên học sinh sẽ chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ dưới 10 độ. Nhà trường lưu ý phụ huynh học sinh theo dõi thông tin thời tiết, nhiệt độ ngoài trời tại các chương trình thời tiết của Chương trình Chào buổi sáng phát VTV1 và chương trình “Hà Nội buổi sáng” của Đài PTTH Hà Nội. Phụ huynh học sinh cập nhật thường xuyên thông báo của nhà trường từ giáo viên chủ nhiệm thông qua nhóm zalo để nắm được những điều chỉnh của nhà trường.

Còn với trường Tiểu học Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), từ ngày học trực tuyến, mỗi lớp lập một nhóm zalo để giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh trao đổi, thông báo các nội dung liên quan đến công tác dạy, học và phòng chống dịch. “Các thông báo của nhà trường đều được giáo viên chủ nhiệm gửi đến phụ huynh học sinh ngay. Với hình thức học tập tuần tới, trường đã gửi phụ huynh công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội; vì vậy cha mẹ học sinh sẽ chủ động theo dõi dự báo thời tiết trên các bản tin. Ban giám hiệu cũng theo dõi sát sao thông tin và ngay sau đó sẽ chỉ đạo để giáo viên thông báo chính thức cho cha mẹ học sinh”- nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Tảo  (huyện Phúc Thọ) chia sẻ.

Dịch bệnh phức tạp kèm thời tiết mưa rét, quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn học sinh. Tuy vậy, nền nếp và mạch kiến thức của học sinh vẫn được các nhà trường cố gắng duy trì, cố gắng để học sinh nắm chắc kiến thức cốt lõi. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên lớp 6 trường THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai) thì những ngày đầu đến trường học trực tiếp, học sinh đã được ôn tập, củng cố lại mạch kiến thức sau thời gian dài học trực tuyến; học sinh học online tại nhà do thuộc diện F0, F1 cũng được theo dõi tiết học ôn tập qua livestream. Vì thế, hình thức học tập có thể chuyển sang trực tuyến do mưa rét thì mạch giảng dạy và kiến thức tiếp thu của học sinh sẽ không có gì thay đổi mà vẫn đảm bảo chương trình, kế hoạch đã đặt ra từ hồi đầu năm học.