Tuy nhiên, khi nhiều NVH được xây dựng khang trang trên khu đất “vàng”, lại không được sử dụng đúng chức năng, chưa phát huy được tác dụng. TP đang nỗ lực tìm phương thức vận hành mới để NVH cơ sở phát huy hiệu quả.
Nhà văn hóa thành bãi trông xeNVH Vân Đình (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa) được xây 2 tầng nằm sát mặt đường liên xã tại xóm 7, thôn Vân Đình, có không gian tương đối rộng rãi. Tuy nhiên, nơi đây đã từng ầm ĩ câu chuyện bị “hô biến”, “xẻ thịt” để cho hộ kinh doanh thuê vào mục đích cá nhân như: Tổ chức sự kiện, xưởng sản xuất, nhà ở… Ngay cổng vào NVH đã có những tấm biển quảng cáo: Giặt khô là hơi, đá sạch, nước sạch, cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện… kèm theo số điện thoại liên hệ. Người dân nơi đây phản ánh, NVH Vân Đình là nơi tập kết rác thải của hộ kinh doanh mỗi khi cho thuê mặt bằng để tổ chức sự kiện, khiến mặt tiền của NVH thôn Vân Đình trở nên nhếch nhác, khó coi.
|
Quán cà phê New Wind nằm trong khuôn viên nhà văn hóa phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Ảnh: Quỳnh Linh. |
NVH Vân Đình được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào giữa năm 2009. Thời điểm đó, thị trấn Vân Đình đã bàn giao cho Ban quản lý thôn Vân Đình để khai thác các mô hình sinh hoạt phục vụ cho đời sống, sinh hoạt văn hóa của bà con trong thôn. Sau khi hoàn thành, với diện tích xấp xỉ cả nghìn m2, NVH thôn Vân Đình được đánh giá là một trong những cơ sở khang trang bậc nhất của huyện Ứng Hòa với 2 tầng nổi, một tầng hầm, phần sân rộng rãi, hội trường làm việc thoáng đãng, mát mẻ. Nhưng chỉ vài năm sau bàn giao, địa điểm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đã xuống cấp chỉ vì bị “xẻ thịt” cho thuê.
Không chỉ Ứng Hòa, mà nhiều NVH hoặc khu sinh hoạt cộng đồng của các phường Đội Cấn, Ba Đình, hoặc xa hơn như NVH số 1 Đại Từ (quận Hoàng Mai) cũng bị “xẻ thịt” để cho thuê vào mục đích cá nhân như: Phòng tập gym, bãi đỗ xe, mặt bằng quán nước…
Tại quận Cầu Giấy, cũng có hàng loạt NVH dùng làm quán cà phê, bãi trông xe ngày, đêm như: Quán cà phê New Wind (số 96 Chùa Hà, phường Dịch Vọng) “bành trướng” trong khuôn viên NVH phường Dịch Vọng. Cho dù bà Trịnh Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, sẽ quán triệt đến các Ban quản lý NVH trong quận không được phép nhận trông xe, vì vừa sai phạm quy chế hoạt động vừa gây nguy hiểm nếu có cháy nổ. Tuy nhiên, tại NVH phường Yên Hòa, những dãy nhà mái che bằng tôn được dựng lên làm nơi cho gần 30 chiếc xe ô tô nhận trông giữ ngày và đêm. Bãi trông xe cố định tại NVH này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa bị cơ quan quản lý cấp quận nhắc nhở.
Hoạt động kiểu "năm thì mười họa"Hiện tại, trên địa bàn TP có 2.094 thôn trong tổng số 2.539 thôn ở ngoại thành có NVH. Ở khu vực nội thành, tỷ lệ này còn rất thấp, mới có 1.491 trong tổng số 5.412 tổ dân phố có NVH. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở số lượng, mà chủ yếu ở chất lượng, phương thức hoạt động của NVH. Các NVH ở khu vực nội thành phần lớn chỉ là những nơi để hội họp khi tổ dân phố có việc. Theo khảo sát mà Sở VH&TT Hà Nội mới công bố, có đến 34% số NVH tổ dân phố tổ chức hoạt động mỗi tháng một lần.
Thực tế các NVH thôn, tổ dân phố đều do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm. Phần lớn họ là những cán bộ hưu trí, không được đào tạo về lĩnh vực quản lý văn hóa nên hoạt động nghiệp dư. Hầu hết kế hoạch hoạt động của các NVH, trung tâm thể dục thể thao phường, xã chủ yếu mang tính ngắn hạn, thiếu đầu tư cho kế hoạch lâu dài, hoạt động chủ yếu là công tác tuyên truyền thông tin, các hoạt động khác còn tản mạn, rời rạc và chưa đi vào chuyên sâu. Theo nhận định của ông Phạm Xuân Phương – Bí thư Huyện ủy huyện Sóc Sơn: "Tại Hà Nội có nhiều NVH có những mô hình hoạt động hiệu quả, nhưng có nơi chưa phát huy được vì Hà Nội chưa có Quy chế quản lý khai thác và tổ chức hoạt động NVH”. Chính vì vậy, UBND TP đã giao cho Sở VH&TT Hà Nội xây dựng đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở”, làm tiền đề quan trọng để ra đời “Quy chế quản lý và khai thác các thiết chế văn hóa cơ sở”.
Sắp có Quy chế được cho thuê kinh doanh?Hiện tại, Sở VH&TT Hà Nội đã hoàn thiện quá trình xây dựng Đề án và Quy chế trình UBND TP xem xét phê duyệt. Trong dự thảo Quy chế mới được đưa ra xin ý kiến lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo Chương trình 04/Ctr-TƯ của Thành ủy Hà Nội, có thể thấy rõ những quy định tạo ra cơ chế mở cho NVH có kinh phí hoạt động như: Nguồn kinh phí không còn bó buộc từ tiền đầu tư của ngân sách Nhà nước mà được huy động từ các tổ chức cá nhân, DN. Nếu Quy chế này ra đời, Ban Chủ nhiệm NVH được phép cho thuê các dịch vụ văn hóa để tạo nguồn kinh phí.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Hà – Phó Giám đốc Sở Tài chính: “Đề xuất này của Quy chế về mặt thực tiễn rất phù hợp. Bởi thực tế ở cơ sở nhiều nơi thực hiện rồi nhưng về mặt pháp lý Quy chế sẽ bị vướng. Tài sản NVH là của UBND xã phường, UBND quận, huyện, nghĩa là tài sản của cơ quan Nhà nước nên không thể cho thuê, mà chỉ có thể cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng chung, cùng đóng góp 1 phần kinh phí để trang trải cho diện tích sử dụng chung đó”. Có nghĩa, muốn Quy chế này được thông thoáng, thì phải xin được cơ chế mở trong Luật Quản lý tài sản công. Ông Hà đề xuất, cơ sở pháp lý cho UBND TP phê duyệt Quy chế này là xin ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ VHTT&DL.
Tại Quy chế còn quy định thành lập Ban Chủ nhiệm NVH. Trình độ và năng lực của Ban Chủ nhiệm cũng được quy định rõ ràng, như: Tốt nghiệp THPT trở lên, biết sử dụng vi tính, internet… trong dự thảo Quy chế. Ông Nguyễn Tiến Học – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT còn đề xuất: “Nên ghép bộ máy chính quyền vào Ban Chủ nhiệm này. Trưởng thôn và Phó Trưởng thôn kiêm nhiệm luôn chức danh Trưởng và Phó Ban chủ nhiệm NVH. Như vậy sẽ gọn về bộ máy vì có thôn chỉ hơn 100 hộ”.
Khi có nhận thức mới về hoạt động của NVH cơ sở, với nhiều đề xuất thiết thực, bổ ích từ “Quy chế quản lý và khai thác các thiết chế văn hóa cơ sở”; cùng với đó, đề án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho NVH thôn trên địa bàn TP Hà Nội” sẽ được mở rộng trên địa bàn. Nhiều người kỳ vọng, hoạt động của NVH cơ sở trong tương lai sẽ có nhiều đổi mới, phần nào tạo nguồn ngân sách cho NVH hoạt động nhưng không phải từ việc cho thuê kinh doanh cafe hay bãi trông giữ xe.
“Quy chế quản lý và khai thác các thiết chế văn hóa cơ sở” còn gặp vướng về các cơ chế khác thì chúng ta phải bàn bạc với Bộ Tài chính và Bộ VHTT&DL để tìm cách tháo gỡ; làm sao Quy chế sớm được ban hành, tạo điều kiện cho các NVH hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý "Thực tế việc xây dựng, tổ chức hoạt động của hệ thống NVH phường, quận, thôn, xã, huyện còn bộc lộ những hạn chế, chưa hiệu quả, nội dung không phong phú, không khai thác hết chức năng của công trình. Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho xây dựng, mua sắm trang thiết bị không đồng bộ, dẫn đến tình trạng công trình xây mới, nhưng không có tiền sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động. Mặt khác, được hỗ trợ trang thiết bị mới nhưng công trình đã xuống cấp, không phù hợp để sử dụng nên việc khai thác sử dụng gặp khó khăn." - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi |