Nhà văn hóa thành… quán karaoke?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của công dân về việc hơn một năm qua, Nhà văn hóa (NVH) xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã trở thành tụ điểm karaoke, khiêu vũ… gây mất an ninh trật tự. Phóng viên đã xuống địa bàn làm rõ vấn đề này.

Nhà văn hóa… không vì văn hóa

Người dân sống quanh khu vực cho biết, hơn một năm qua NVH xã đã được cho mượn để kinh doanh. Diện tích sinh hoạt cộng đồng ngoài trời bị đóng kín để trông giữ xe ô tô theo tháng. Buổi tối nơi đây mở cửa cho các “thượng đế” vào uống nước và hát karaoke tự chọn.

Với việc luôn mở rộng cửa để đón khách, mọi âm thanh được phát với công suất lớn làm đinh tai, nhức óc những người dân sống lân cận. Điều gây phản cảm hơn là những âm thanh hỗn độn hàng đêm đó phần nào làm mất đi vẻ tôn kính, uy nghiêm của ngôi đình thờ Chu Văn An nằm sát cạnh. Ngoài ra, tiếng nhạc chát chúa phát ra từ quán karaoke thường xuyên kéo dài đến khuya làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của các hộ xung quanh, nhất là với người già và trẻ nhỏ.

 
Biển quảng cáo các chương trình ca hát, khiêu vũ tại cổng Nhà văn hóa Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.     Ảnh: Phạm Hùng
Biển quảng cáo các chương trình ca hát, khiêu vũ tại cổng Nhà văn hóa Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng
 
Theo phản ánh của một số người dân, ông Nguyễn Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cũng thường xuyên đến quán karaoke, khiêu vũ, nhiều hôm mãi tới nửa đêm mới về.

Đúng như phản ánh của người dân, sừng sững trước cổng NVH xã Thanh Liệt là biển “Karaoke Hát cho nhau nghe”. Ngay trong trụ sở NVH là quán karaoke kết hợp khiêu vũ. Quán karaoke này hoạt động từ 5 giờ chiều tới tận khuya. Người dân ở khu vực gần NVH cho biết, trước đây CLB khiêu vũ tập một tuần ba lần nhưng hơn một năm nay, ngày nào CLB này cũng tập và kết hợp karaoke để khiêu vũ. Điều đáng nói là quán karaoke này từ đó mở cửa sớm hơn và cũng đóng cửa muộn hơn. 

Một người dân sống cạnh NVH bức xúc: “Trước đây, khuôn viên NVH là nơi để sáng sáng CLB dưỡng sinh tập luyện, tối tối các cụ cao tuổi tổ chức ngâm thơ hoặc bàn chuyện làng, chuyện xã. Giờ đây, nó đã được biến thành bãi trông xe nên CLB phải tập nhờ chỗ khác. Buổi tối lại phải “nhường” tiếp cho một số người hò hát, nhiều khi kéo dài đến nửa đêm. Các hộ ở đây đã nhiều lần góp ý lên xã nhưng không thấy chuyển biến gì. Không hiểu NVH sử dụng theo cách này liệu đã có văn hóa?”. 

Chính quyền sở tại nói gì

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Phong cho biết, do NVH chưa đủ quy chuẩn nên chỉ làm nơi chứa dụng cụ phục vụ các phong trào của xã. Tháng 6/2013, UBND xã đã họp và đồng ý cho CLB văn hóa mượn để sinh hoạt với chủ trương tự cân đối thu chi để lấy kinh phí sửa chữa và mua trang thiết bị, CLB đã thu phí hoạt động… UBND xã chỉ cho mượn địa điểm, không thu bất cứ khoản kinh phí nào và cũng không nắm được nguồn thu hàng tháng của CLB là bao nhiêu. 

Theo ông Phong, việc hàng tối diễn ra hoạt động hát karaoke tại NVH là có, tuy nhiên đó là “sinh hoạt cộng đồng” của một số người yêu thích ca hát. Hát karaoke không thu phí nhưng đương nhiên họ phải trả tiền uống nước để CLB duy trì hoạt động. Ông Phong cũng thừa nhận: CLB tổ chức hát karaoke hàng tối gây tiếng ồn lớn và thi thoảng có va chạm giữa các nhóm hát. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã khắc phục được việc giảm tiếng ồn bằng cách làm thêm trần áp mái. Việc mất an ninh trật tự là do đôi khi có nhóm thanh niên ăn nhậu say tại chỗ khác rồi đến hát gây ra nhưng chưa xảy ra vấn đề gì lớn. Công an xã ngay gần đó nên nếu phát sinh va chạm sẽ đến giải quyết ngay. 

Đề cập vấn đề một số ý kiến người dân còn chưa đồng thuận việc cho mượn NVH xã để phục vụ riêng một nhóm người, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt khẳng định: “Nơi đây không đủ tiêu chuẩn về diện tích cũng như trang thiết bị để thành NVH đúng nghĩa. Người dân có thể sinh hoạt cộng đồng tại NVH thôn. Lãnh đạo UBND xã thời gian tới vẫn tiếp tục cho CLB văn hóa mượn mặt bằng để sử dụng. Người dân còn thắc mắc, yêu cầu trực tiếp lên UBND xã để giải quyết.”.

Giải thích về việc mình thường xuyên tới quán hát và nhiều hôm nửa đêm mới về, ông Phong cho biết lý giải vì mình thích khiêu vũ và yêu văn nghệ nên hay ghé qua. Tuy nhiên, gần đây, do e ngại người dân hiểu lầm nên ông ít đến hơn. Dư luận đặt câu hỏi, việc đem cho mượn trụ sở công để trông giữ ô tô và tổ chức các hoạt động có thu phí, liệu UBND xã Thanh Liệt đã làm đúng thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước? Vì vậy, việc người dân nghi ngờ việc lãnh đạo xã Thanh Liệt cho mượn trụ sở công nhằm tạo lợi ích cho một số người là có cơ sở. 

Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần