Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Đề tài chiến tranh là nguồn cảm hứng vô tận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn chục năm cầm bút, cuốn tiểu thuyết thứ 6 (sau “Hồ sơ một tử tù”, “Bên dòng Sầu Diện”, “Nháp”, “Phiên bản” và “Kín”) của nhà văn Nguyễn Đình Tú vừa trình làng đã nhận được những phản hồi tích cực. Hẳn vì nó được viết ra từ tâm huyết của một nhà văn 20 năm khoác áo lính.

 

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Đề tài chiến tranh là nguồn cảm hứng vô tận - Ảnh 1

“Hoang tâm” lấy bối cảnh chính là chiến trường K, có phải điều đó giúp anh thể hiện thân phận con người trong và sau chiến tranh được dễ dàng?

- Đất nước chúng ta có nhiều cuộc chiến khác nhau, mỗi nhà văn tùy theo khả năng của mình mà chọn một cuộc chiến nào đấy để đưa vào tác phẩm. Tôi muốn chọn một cuộc chiến vừa có tính đặc thù lại vừa có tính khái quát để “mượn nó” nói những điều cần nói. Người lính vệ quốc đã được khắc họa trong văn học nhiều rồi, tôi muốn hướng đến hình ảnh của những người lính viễn chinh. Hơn nữa chiến trường K gần với thời tôi sống hơn, rất nhiều nguyên mẫu có thể dễ dàng gặp ngoài đời, và cảm hứng trong tôi được thắp lên bởi chính những dư chấn từ cuộc chiến có cái tên rất giống với một sự mã hóa này - K.

Viết về chiến tranh, nhưng “Hoang tâm” không có những trận chiến ngút trời bom đạn?

Với cuốn tiểu thuyết này, mùi thuốc súng có vẻ như âm ỉ cháy từ chương này sang chương khác. Đề tài chiến tranh là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật. Nhưng phải mất gần 20 năm khoác áo lính tôi mới đủ tự tin để chạm đến nó một cách trực diện.

 Khoác áo lính trong thời bình, anh có áp lực khi viết về chiến tranh?

- Áp lực lớn nhất tôi phải vượt qua khi viết về chiến tranh là rào cản tâm lý. Nhiều khi tôi tự hỏi, có viết được hay không cái mà ta chưa trải qua? Nếu biết cười khẩy vào cái sự “chưa trải qua” đó thì nhà văn sẽ viết được bất cứ điều gì họ muốn. Dám viết, theo tôi đó là thái độ cần thiết đối với bất cứ người viết trẻ nào. Sau thái độ dám viết sẽ là tác phẩm, có tác phẩm rồi chúng ta mới có quyền hy vọng vào cái hay, cái tốt, cái còn lại với thời gian…

Trong những năm gần đây, việc lồng ghép các loại hình nghệ thuật khác như kịch, hội họa, âm nhạc… với văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng được các nhà văn triển khai rầm rộ nhằm đem đến nét mới lạ, bầu không khí mới cho tác phẩm của mình. Tiểu thuyết “Phiên bản” của anh vừa được đạo diễn Cường Ngô mua bản quyền chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Vậy “đối tác” mà “Hoang tâm” lựa chọn có phải là bộ môn nghệ thuật thứ 7?

 - Khi viết tiểu thuyết tôi không nghĩ nhiều đến việc nó sẽ tiếp tục được sống tiếp “những đời nghệ thuật” khác, hãy cứ sống hết cái đời sống văn học của nó đã. Còn nếu có duyên, nó được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, hay cái gì đó là chuyện ngoài suy nghĩ của tôi. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều người trong giới điện ảnh, tiểu thuyết “Hoang tâm” rất dễ chuyển thể thành kịch bản phim. Tôi hy vọng điều đó sẽ thành hiện thực và mong muốn kịch bản sẽ được một đạo diễn tài năng, hiểu tác phẩm thực hiện.

Có phải vì kết hợp với điện ảnh nên khi đọc tiểu thuyết song trùng “Hoang tâm” có chất riêng như nhà văn Nguyễn Đức Thiện nhận xét: “Người bình thường bị hấp dẫn bởi những chuyện kỳ thú. Người thích cảm giác mạnh thì thỏa mãn trước những pha chết choc, máu me, man rợ. Người có chút lãng mạn thì thấy sơn thủy hữu tình, cảm xúc yêu đương lai láng. Còn người có máu nghiên cứu thì ghi nhận về cách nhìn và thái độ của nhà văn về những trầm tích văn hóa”?

 -Việc mượn các thủ pháp đặc trưng của các bộ môn nghệ thuật khác nhau để triển khai trong một tác phẩm văn học là điều không mới mẻ gì. Trong văn có kịch, có báo chí, có cắt dán, có chồng mờ, có màu sắc, có bố cục… là điều rất thường gặp trong tiểu thuyết hiện nay. Cũng như đề tài, bây giờ rất khó gặp những tác phẩm viết chuyên về một đề tài cụ thể, mà thường tích hợp trong đó nhiều đề tài. Tôi không lái bút pháp cho cuốn sách này gần với điện ảnh nhưng có sử dụng một số thủ pháp của điện ảnh như: chồng mờ suy tưởng, cắt dán những hồi cố, tính hấp dẫn của đường dây dẫn chuyện, thoại ngắn gọn…

Hẳn vì vậy mà “Hoang tâm” tồn tại hai tuyến truyện trong một cuốn tiểu thuyết, và chúng đều đề cập đến những vấn đề rất “gai góc”: chiến tranh, sự tồn vong văn hóa và các tộc người, bi kịch con người trong đời sống hiện đại… Anh có sợ mình ôm đồm quá nhiều trong một cuốn sách hơn 300 trang?

- Bản chất của văn chương là “lấy ngắn nói dài”. Một câu thơ cũng ôm chứa trong nó bao điều, một truyện ngắn cũng vẽ lên cả một vòng đời với rất nhiều thăng trầm, huống hồ một tiểu thuyết, là con thuyền lớn, có thể chờ trong nó cả một tiểu vũ trụ kia mà. Nếu chiều dọc của cuốn tiểu thuyết là một cuộc thám hiểm xuyên thời gian thì chiều ngang của nó là những ám ảnh xuyên không gian. Với cách triển khai như thế, tiểu thuyết của tôi chạm được đến nhiều vấn đề và đó là một sự “ôm đồm” có chủ ý. Tôi tin là bạn đọc đã lạc vào thế giới nghệ thuật của “Hoang tâm” rồi thì sẽ dõi theo đến cùng quá trình vượt thoát của các nhân vật mà không cảm thấy nản lòng.