Nhạc sĩ Thập Nhất về cõi vĩnh hằng

Theo PLO
Chia sẻ Zalo

Nhạc sĩ ca khúc nổi tiếng "Bố là tất cả" - Nguyễn Thập Nhất vừa qua đời lúc 9 giờ 30 sáng 20/8 do bệnh nặng. Ông là phó trưởng Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV).

Nhạc sĩ Nguyễn Thập Nhất sinh ngày 13/6/1959 tại Hà Nội. Năm 1971, ông bắt đầu học nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (sau này đổi thành Nhạc viện Hà Nội) với môn sáo trúc và tốt nghiệp năm 1980.

Sau đó Thập Nhất được phân công vào Nam, công tác tại Đoàn Ca múa Vũng Tàu đến năm 1984. Năm 1984, Thập Nhất học ngành sáng tác tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp vào năm 1988. Sau khi tốt nghiệp, Thập Nhất dạy học ở Trường Trung học Sư phạm mầm non (hiện nay là khoa Mầm non thuộc Trường ĐH Sài Gòn).
Nhạc sĩ Thập Nhất
Nhạc sĩ Thập Nhất
Năm 1990, ông chuyển sang công tác tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, đảm nhiệm mảng âm nhạc thiếu nhi của đài. Hiện nay ông đang là phó trưởng Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Thập Nhất đã viết khoảng 120 ca khúc dành cho thiếu nhi và 50 ca khúc về tình yêu và quê hương. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Bố là tất cả (thơ Đỗ Văn Khoái), Bé và ông mặt trời (lời Ngô Thị Ngọc Hiền), Những bánh xe quay nhanh (thơ Đinh Phong), Đuốc sáng Việt Nam...

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Thập Nhất đã dành nhiều ưu ái cho các em thiếu nhi. Vì thế các sáng tác của ông rất gần gũi với các em nhỏ và dễ đi vào lòng người. Những ca khúc này đã mang về cho ông khá nhiều giải thưởng: Giải nhất cuộc thi sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng với tổ khúc viết cho thiếu nhi Cổ tích loài người (phổ thơ Xuân Quỳnh) và ca khúc Thuyền ai xuôi quan họ (phổ thơ Diệp Minh). Với ca khúc thiếu nhi mang tên Anh hai, Thập Nhất đoạt cùng lúc hai giải nhất do Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.

Năm 2006, ông đã phát hành album Cá chép hóa rồng tập hợp các ca khúc thiếu nhi hay nhất mà ông sáng tác dành riêng tặng cho trẻ em, đối tượng sáng tác yêu quý của ông. Album gồm các ca khúc: O tròn như trứng vịt, Bé không làm người lớn, Tấm ngoan của bà, Bố là tất cả, Hoa mào gà, Trời cũng khóc nhè, Gấu bông, Bé học piano, Bé và ông mặt trời, Cá chép hóa rồng, Vui cùng mặt trời, Cổ tích bây giờ, Gọi trăng là gì, Nụ cười tuổi thơ...

Gần đây nhạc sĩ Thập Nhất có bài Mùa Xuân DK - đã trở thành "nhạc hiệu" của cánh lính DK1: "Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời/ Giữa biển trời vẫn sống yêu đời/ Lính nhà giàn là thế đó...".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần