Nhạc Việt 2024: Kỳ vọng bùng nổ, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chất lượng ngày càng được nâng cao, đa dạng vể thể loại trong năm 2023, nhạc Việt năm 204 được kỳ vọng sẽ bứt phá, góp phần phát triển công nghiệp văn hoá.

Đa dạng cá tính âm nhạc

Năm 2023, thị trường âm nhạc Việt Nam tạo nhiều dấu ấn với các sản phẩm ấn tượng. Nếu trước đây, thị trường âm nhạc thường là cuộc cạnh tranh của các ngôi sao hạng A thì ngày nay, sự xuất hiện của công nghệ số, mạng xã hội giúp cho tên tuổi, âm nhạc của các nghệ sĩ trẻ dễ dàng tiếp cận, tạo dấu ấn với công chúng.

Khán giả đội mưa thưởng thức lễ hội âm nhạc Gió mùa.
Khán giả đội mưa thưởng thức lễ hội âm nhạc Gió mùa.

Đơn cử, ngoài những ca khúc thịnh hành - tạo trend trên mạng xã hội như “See tình” của Hoàng Thuỳ Linh, “Em đồng ý – I do” của Đức Phúc… Hòa Minzy đóng góp ca khúc “Thị Mầu” với âm hưởng chèo; Double2T làm nên ca khúc mang đậm âm hưởng miền núi phía Bắc “À lôi”. Đồng thời, Tlinh, MCK, Đen Vâu, Hieuthuhai, Phương Ly… là những cái tên trẻ trung, duy trì sức hút trong đường đua âm nhạc năm nay.

Bên cạnh đó, so với những năm trước, số lượng liveshow, live concert năm 2023 tăng về số lượng và chất lượng. Có thể kể đến sự đầu tư công phu của nhiều chương trình như “Tựa như gió phiêu du” của nhạc sĩ Đức Trí, “1589” của Trung Quân, “Một mình bao la” của Đỗ Bảo, “Người bình thường” của Vũ Cát Tường, “Mùa thu giấu em” của Ngọc Anh, “My Soul 1981” của Mỹ Tâm, “Chân trời rực rỡ của” Hà Anh Tuấn, “Show của Đen” của rapper Đen Vâu… và những chương trình âm nhạc thu hút hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội như “Rạp Việt”, “Ca sĩ giấu mặt”, “Vietnam Idol” trở lại sau 7 năm tạm dừng.

Theo các chuyên gia, năm 2023, âm nhạc Việt Nam không chỉ bắt kịp xu thế thịnh hành trên thế giới mà còn khẳng định bản sắc riêng biệt, không lẫn với bất kỳ dòng nhạc nào. Chính sự hòa trộn giữa chất liệu dân tộc với dòng nhạc thời thượng giúp nhạc Việt dần định hình và cuốn hút trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Đại diện Universal Music Vietnam Trần Thăng Long cho rằng, các nghệ sĩ trẻ chỉ cần tập trung vào sáng tạo âm nhạc và phát triển cá tính riêng thì cơ hội để tỏa sáng với những nhạc phẩm bắt tai, hợp thời vẫn luôn chờ phía trước. Để một ca khúc lan tỏa xa hơn đường biên giới, yếu tố văn hóa Việt và sự hiện đại hòa quyện là điều không thể thiếu.

Hà Nội - điểm đến của sự kiện âm nhạc quốc tế

Năm 2023, âm nhạc Việt cũng ghi nhận sự bùng nổ của các liên hoan, lễ hội, đêm nhạc với sự tham gia của hàng loạt ngôi sao quốc tế. Riêng Hà Nội, TP đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện hỗ trợ tổ chức thành công các chương trình nghệ thuật lớn, tổ chức ngoài trời, tập trung đông người trên địa bàn TP như: Chương trình âm nhạc mùa Hè “Hay”; Chương trình nghệ thuật “Đêm nhạc của Đen”; Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của Blackpink 2023; Lễ hội Âm nhạc Gió Mùa 2023... Các chương trình nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tham dự của khán giả, đặc biệt là giới trẻ; diễn ra an toàn, an ninh, trật tự, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Nhóm nhạc BlackPink trong đêm biểu diễn tại Hà Nội. 
Nhóm nhạc BlackPink trong đêm biểu diễn tại Hà Nội. 

Việc tổ chức thành công tác sự kiện nói chung và chương trình âm nhạc quốc tế nói riêng từng bước góp phần tích cực vào việc triển khai thành công Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn  đến năm 2045.

Đồng thời, theo các chuyên gia, việc tổ chức thành công các sự kiện góp phần đáng kể vào việc tạo không gian sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh cho Nhân dân, công chúng Thủ đô Hà Nội cũng như khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế; Góp phần tích cực vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Thủ đô Hà Nội; quảng bá rộng rãi hình ảnh thương hiệu của “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố vì hoà bình” trong khu vực và quốc tế; thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch nhất là kinh tế đêm, từng bước phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc sắc ngày càng hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch Thủ đô Hà Nội.

Thời gian tới, theo nhạc sĩ Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội để thực sự có nền công nghiệp âm nhạc phát triển cần phải có sự đồng bộ; cần có một chiến lược phát triển chung, bởi tất cả chỉ đang manh mún, nhỏ lẻ. Để có nền công nghiệp âm nhạc cần sự đầu tư rất lớn, sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đồng thời, trong năm 2024, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, các chương trình âm nhạc đa giác quan là đích đến của nhiều nghệ sĩ trong năm tới. Đó là những chương trình không chỉ thỏa mãn thính giác, thị giác cho khán giả mà cần kết hợp ánh sáng, nghệ thuật sắp đặt đem đến cho công chúng nhiều cảm xúc.