Nhằm trận chiến tới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giao tranh quân sự ở châu Âu khiến ông Joe Biden không thể khuếch trương tác động của những thành quả cầm quyền sau một năm trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng

Chiến sự ở Ukraine phủ bóng xuống, lần đầu tiên tổng thống Mỹ Joe Biden trình bày thông điệp về tình hình đất nước trước phiên họp chung của lưỡng viện lập pháp Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang 2022 tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington, DC, ngày 1/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang 2022 tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington, DC, ngày 1/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Giao tranh quân sự ở châu Âu khiến cho ông Biden không thể khuếch trương tác động của những thành quả cầm quyền sau một năm trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng như tăng trưởng kinh tế cao và tạo thêm nhiều việc làm.

Công cuộc đối phó dịch bệnh tuy chưa thành công mỹ mãn nhưng cũng không hẳn chẳng đạt được kết quả đáng kể gì, cùng với những chương trình tài chính quy mô lớn được đưa ra nhằm phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng ở nước Mỹ.

Cử tri ở Mỹ hiện có thể không còn bị ám ảnh nhiều bởi cuộc triệt thoái được tổ chức kém hiệu quả của Mỹ ra khỏi Afghanistan, nhưng lại rất quan tâm tới những phản tác dụng ảnh hưởng trực tiếp tới họ từ những biện pháp chính sách trừng phạt Nga mà chính quyền Biden áp dụng, đặc biệt trong khi tỷ lệ lạm phát đã rất cao ở Mỹ và dịch bệnh vẫn còn hoành hành rất ghê gớm.

Ông Biden dùng những gì thể hiện trong thông điệp nói trên để nhằm tới trận chiến quyền lực tới đây ở nước Mỹ là cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 năm nay.

 Kết quả cuộc bầu cử này có tác động rất quyết định tới thành công hay thất bại của ông Biden trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại và tới cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ vào năm 2024.

Thiên hạ có thể thấy được ba định hướng chiến lược của ông Biden là đối phó dịch bệnh, giảm tỷ lệ lạm phát và dùng thành tựu đối ngoại (là lãnh đạo khối Phương Tây đối phó Nga).

Người ta cũng còn có thể thấy ông Biden hiện coi Nga chứ không phải Trung Quốc nữa là đối thủ chính. Và ông Biden chơi con bài cầu thị khi khẩn cầu hai đảng phái chính trị lớn nhất ở nước Mỹ hợp tác với nhau thực hiện chương trình nghị sự chung.

Mưu sự tại nhân thì như thế, còn thành sự được hay không thì lại phải rồi đây mới rõ.