Các đơn vị tập hợp tại sân Đoan Môn, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tham gia lễ chào cờ ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu |
Cờ đỏ sao vàng rực trời Thu
9 giờ 30 phút ngày 10/10/1954, đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội” do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc. 15 giờ ngày 10/10/1954, lễ chào cờ lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức diễn ra tại sân Đoan Môn (trước là sân Cột Cờ), lá cờ được được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Trung tướng Phạm Hồng Cư còn nhớ: “Chiều hôm đó, trời Thu Hà Nội xanh ngắt. Trên sân vận động Măng-gianh (sân Đoan Môn), các đơn vị tham dự lễ chào cờ đã tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Xung quanh sân vận động, Nhân dân các khu phố đã kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong vòng ngoài, chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Ai cũng muốn có mặt tại lễ chào cờ lịch sử hôm đó”.
Trong hồi ức của ông Trần Huy Quang - người dân tham gia đón đoàn quân trở về ngày 10/10, của Đại tá Vũ Kiểm - người chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đại quân tham gia Lễ chào cờ lịch sử vẫn còn nhớ, 15 giờ còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn TP hướng về Cột Cờ thành Hoàng Diệu. Mọi người kính cẩn nhìn lên lá cờ quốc kỳ đang tung bay trên cột cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.
Cảm xúc trong giây phút ấy, Đại tá Vũ Kiểm làm nên mấy vần thơ: “Bao năm xa cách Cột Cờ/ Thủ đô giải phóng bây giờ là đây/Nghẹn ngào chào lá cờ bay/Rưng rưng giọt lệ tràn đầy bờ mi/Ngày về nhớ buổi ra đi”. Trong trí nhớ của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng nhớ rất rõ phố phường Hà Nội giờ phút ấy nhà nào nhà đấy đều mở toang cửa ngõ. Cờ đỏ sao vàng được treo lên đỏ rực bầu trời. Mọi người nam nữ, già trẻ tỏa ra khắp đường để đón chào bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô.
Tái hiện để gợi nhớ
Để góp phần lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp của những năm tháng không thể nào quên ấy, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày triển lãm “Hà Nội mùa Thu năm ấy”, trong đó điểm nhấn là lễ chào cờ lịch sử tại sân Đoan Môn vào ngày 6/10/2019. Lễ chào cờ sẽ gồm các hoạt động: Rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng; chương trình văn nghệ “Khúc tráng ca giữa mùa Thu lịch sử”. Sau đó, các nhân chứng, khách mời sẽ cùng thực hiện nghi lễ chào cờ tại sân Đoan Môn (tại vị trí đoàn quân giải phóng thực hiện lễ chào cờ khi tiếp quản Thủ đô năm xưa). Tham dự lễ chào cờ có các nhân chứng tham dự lễ chào cờ năm xưa như: Trung úy Nguyễn Văn Tròn, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng… cùng các thành viên cố vấn chuyên đề thuộc Hội Lịch sử Việt Nam như: GS Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc…
Đặc biệt trong chủ đề “Hà Nội ngày trở về” nằm trong chuỗi sự kiện triển lãm “Hà Nội mùa Thu năm ấy”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn giới thiệu tới người xem một số hiện vật gắn liền với sự kiện trọng đại này như: Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” của đồng chí Vũ Huy Hậu là phần thưởng cao quý mà Bác Hồ trao tặng khi ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Áo trấn thủ là vật dụng dùng để tránh rét cho các chiến sĩ; ra đời theo sáng kiến phát động phong trào “mùa Đông binh sĩ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Áo dài Hà Nội, mô phỏng lại theo mẫu áo dài của những cô gái Hà Nội mặc trong ngày vui chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Chỉ thị số 11CT/ĐBHN ban hành ngày 6/10/1954 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội “Về việc vận động Nhân dân Hà Nội hoan nghênh chính quyền, bộ đội ta vào tiếp quản TP”. Ngoài ra, trong các nội dung triển lãm khác Trung tâm còn trưng bày ảnh tư liệu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội, Toàn cảnh lễ chào cờ lịch sử… Chuỗi chương trình “Ký ức mùa Thu” sẽ khai mạc vào 8 giờ ngày 6/10 tại sân Đoan Môn, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Hà Nội.