Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện chiêu trò thao túng cổ phiếu

Ngô Sơn
Chia sẻ Zalo

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Trần Việt Thắng (địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh) 575 triệu đồng vì tạo cung cầu giả và thao túng cổ phiếu của Cty CP Lâm nghiệp Sài Gòn (FRM) và Cty CP Đầu tư Nhãn hiệu Việt (ABR).

Hành vi thao túng chứng khoán ảnh hưởng rất lớn đến chính sách quản lý công khai, công bằng, minh bạch của Nhà nước với thị trường chứng khoán. Ảnh: Pinetree Securities
Hành vi thao túng chứng khoán ảnh hưởng rất lớn đến chính sách quản lý công khai, công bằng, minh bạch của Nhà nước với thị trường chứng khoán. Ảnh: Pinetree Securities

Ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán

Ông Trần Việt Thắng bị xác định đã sử dụng các tài khoản đứng tên mình và người khác để thực hiện giao dịch mua, bán, khớp đối ứng cổ phiếu giữa các tài khoản với nhau, nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu. Ngoài phạt tiền, ông Thắng buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, là 87,2 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 5/2023, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan tới Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings và 7 đồng phạm về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings Đỗ Thành Nhân mua cổ phiếu “rác” giá 1.000 - 1.800 đồng/cổ phiếu, sau đó dùng nhiều thủ đoạn để thao túng, “thổi giá” tăng gấp 30 - 40 lần.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, Đỗ Thành Nhân dùng danh nghĩa cá nhân, mượn tên 13 người thân, nhân viên Cty mở tổng 17 tài khoản chứng khoán. Các tài khoản này sau đó đều ký hợp tác đầu tư với Cty CP Chứng khoán Trí Việt, thực chất là để thao túng thị trường chứng khoán.

Kế hoạch trên được thực hiện, có sự giúp sức quan trọng của Đỗ Đức Nam, TGĐ Cty Chứng khoán Trí Việt và Lê Thị Thu Hương, Phó TGĐ và một số nhân viên.

Nhân và Nam bàn bạc, thống nhất cách thức thao túng hai mã BII và TGG để cùng thu lợi: mượn tên người nhà, nhân viên Louis Holdings để mở các tài khoản chứng khoán tại Cty Chứng khoán Trí Việt; sử dụng các tài khoản này liên tục giao dịch đặt lệnh, khớp mua bán, tạo cung cầu giả tạo cho cổ phiếu BII và TGG để đẩy giá lên cao, sau đó bán tháo, thu lợi chênh lệch.

Mức án 5 năm 6 tháng tù với Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân được TAND Hà Nội công bố sau 5 ngày xét xử, nghị án. Toà nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chính sách quản lý công khai, công bằng, minh bạch của nhà nước với thị trường chứng khoán, gây mất niềm tin của nhà đầu tư; gây hoang mang lo lắng bất bình trong xã hội.

Hiện tượng cổ phiếu bị làm giá trên thị trường chứng khoán do đội lái - là những nhà đầu tư kinh nghiệm có nhiều quan hệ trên thị trường trong tay có nhiều vốn (tiền mặt) hay cổ phiếu liên kết lại với nhau để làm giá chứng khoán, “đội lái” còn liên kết với các môi giới chứng khoán, Cty niêm yết để thực hiện việc đánh lên hay dìm giá cổ phiếu.

Một nhóm các nhà đầu tư thường lợi dụng điều đó để thông đồng liên kết với nhau, tập trung vào một số mã cổ phiếu nhất định, tạo ra cung cầu ảo (tự mua tự bán) để thu hút các nhà đầu tư khác trên thị trường cùng tham gia mua bán mã cổ phiếu đó. Những lần tạo ra giá lên, giá xuống được gọi là sóng chứng khoán. Khi giá cổ phiếu lên cao, họ sẽ bán tháo để thu lợi nhuận.

Nhận biết cổ phiếu bị thao túng

DN có cơ cấu cổ đông lớn là cá nhân: Để có thể mua bán sang tay như kiểu thao túng, đòi hỏi phải nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn của DN. Những cổ đông cá nhân có phần góp vốn lớn trong Cty sẽ có đủ lực để thao túng cung cầu thị trường. Do đó, cái đội lái muốn tham gia hành vi làm giá sẽ liên hệ với những cổ đông của Cty. Do đó, khi phân tích và lựa chọn cổ phiếu để mua, nhất thiết phải xem cơ cấu cổ đông như thế nào.

DN có tài sản cố định thấp: Theo lẽ thường thì thì DN nếu chuyên tâm làm ăn, không dính dáng gì đến chuyện làm giá cổ phiếu sẽ có tài sản cố định cao. Các cổ đông DN sẽ quan tâm đến việc tăng giá cổ phiếu bền vững qua doanh thu và lợi nhuận, do đó họ sẽ không bắt tay với các đội lái để thao túng giá cổ phiếu. Tài sản cố định cao là dấu hiệu cho thấy Cty thật sự đầu tư để kinh doanh sản xuất, do đó khả năng bị làm giá sẽ ít hơn rất nhiều so với Cty có tài sản cố định thấp.

Những Cty có tài sản cố định thấp thường nằm trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, và dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư. Do đó, khi lựa chọn những Cty loại này, nhà đầu tư phải hết sức chú ý.

Quy luật thứ nhất liên quan ngành nghề của những cổ phiếu có nguy cơ bị làm giá. Đó là những ngành… “khó hiểu”, chẳng hạn như: Khoáng sản, dược, y tế… Những ngành này có tính đặc thù cao, chỉ những người làm trong ngành (vốn cũng không nhiều) mới hiểu.

Quy luật thứ hai là quy mô của nhóm cổ phiếu bị làm giá thường chỉ ở nhóm tầm trung (mid cap) hoặc nhỏ (penny). Lý do thì cũng khá đơn giản, các hoạt động làm giá, mà thường chủ yếu là cá nhân thì khả năng khó có tiền lớn, vài chục tỷ đồng thì tất nhiên chỉ có thể làm giá cổ phiếu có vốn hóa vài trăm tỷ đồng là hết mức.

Quy luật thứ ba liên quan thanh khoản, vốn dĩ là một yếu tố được tích lũy dài hạn, nên chuyện đột biến trong ngắn hạn tất yếu phải bị nghi ngờ. Thông thường, những cổ phiếu bị làm giá hay có hiện tượng thanh khoản èo uột bỗng dưng tăng mạnh. Tất nhiên, không phải cổ phiếu nào có hiện tượng này cũng đồng nghĩa với việc bị làm giá, vì có thể một tổ chức nào đó mua vào với khối lượng lớn thanh khoản cũng có sự đột biến, chuyện đó rất bình thường. Nhưng khi thấy thanh khoản đột biến, nhà đầu tư nói theo quy luật của thẩm định là “phải biết nghi ngờ”. Trong trường hợp nếu DN không phát ra tín hiệu gì về hoạt động tích cực, hoặc thông tin chỉ là tin đồn, hay công bố mập mờ thì nguy cơ làm giá sẽ hiển hiện.