Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện kiến trúc biệt thự thời Pháp

Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam - GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có nhiều công trình nghiên cứu về kiến trúc đô thị Pháp, trong đó có Biệt thự Pháp ở Hà Nội, được công bố. Các ý kiến đánh giá về phong cách kiến trúc biệt thự là tương đối thống nhất.

Nhưng đánh giá toàn diện về kiến trúc biệt thự Pháp và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển nhiều mặt của TP Hà Nội, thì chưa nhiều. Nhưng có thể tự chung một số biệt thự Pháp qua các thông tin đánh giá sau:

Ngày nay, khi nói về biệt thự được xây dựng thời Pháp ở Hà Nội, chúng ta có thể dễ dàng thống nhất: Đó là một bộ sưu tập phong phú các phong cách kiến trúc Pháp ở Hà Nội với ý nghĩa, không chỉ là di sản kiến trúc đơn chiếc mà còn là di sản đô thị Pháp ở Hà Nội.

Một khu biệt thự Pháp trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Hải Linh
Một khu biệt thự Pháp trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Hải Linh

Kiến trúc biệt thự không có quy mô lớn, hình thức kiến trúc hoành tráng và ở những vị trí quan trọng với vai trò là điểm nhấn, chế ngự không gian trong đô thị như các công trình công cộng, nhưng lại áp đảo về số lượng và tập trung thành một khu vực với chức năng cư trú, chiếm diện tích lớn nhất so với các khu vực chức năng khác trong đô thị.

Vì thế, khu vực biệt thự là một thành phần đặc trưng, góp phần tạo nên giá trị độc đáo của cấu trúc không gian đô thị thời Pháp ở Hà Nội - một dạng “Thành phố - Vườn” kiểu Pháp ở Việt Nam.

Những công trình đầu tiên, mang phong cách kiến trúc thực dân và nhiều hơn cả là phong cách kiến trúc tân cổ điển Pháp, nhất là đối với các công sở. Thông qua kiến trúc, thực dân Pháp thể hiện mong muốn áp đặt văn hóa và phô trương sức mạnh của chính quốc ở thuộc địa.

Phong cách kiến trúc tân cổ điển Pháp tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tạo hình dựa trên các trục đối xứng trong tổ hợp mặt bằng và mặt đứng công trình cùng với việc sử dụng cách thức và chi tiết trang trí theo các chuẩn mực của kiến trúc cổ điển phương Tây, như Rô-măng, Phục hưng, Gô tích và Ba rốc.

Những năm tiếp theo, nhiều biệt thự và một số trường học ở Hà Nội được xây dựng theo phong cách kiến trúc địa phương Pháp. Điều này phản ánh tâm lý vọng quê của những người Pháp đầu tiên đến định cư tại Hà Nội.

Với mong muốn có được ngôi nhà như ở quê hương, họ nhập khẩu hoặc đề nghị kiến trúc sư thiết kế biệt thự cho mình ở Hà Nội theo đúng như mẫu nhà ở bản quán.

Giai đoạn 1920 - 1945, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II ở Đông Dương, giai đoạn này người Pháp đưa vào Việt Nam nhiều ý tưởng kiến trúc tiến bộ phát triển, trong đó có kiến trúc biệt thự.

Trước hết là sự xuất hiện của xu hướng kiến trúc tiền hiện đại với các phong cách Art Deco và Art Nouveau. Đó là triết lý sáng tạo kiến trúc mới theo hướng hiện đại khá tự do với mong muốn thoát khỏi ảnh hưởng của các kiến trúc và hình thức trang trí của phong cách Kiến trúc cổ điển vốn nghiêm ngặt và cầu kỳ.

Tiếp đến là xu hướng kết hợp văn hóa Đông - Tây và phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu bản địa trong kiến trúc với đỉnh cao là phong cách Kiến trúc Đông Dương.

Sau cùng là biệt thự ghép (đôi) dành cho công chức người Việt được xây dựng tập trung ở khu vực các phố Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Mai Hắc đế ngày nay chủ yếu theo xu hướng kiến trúc tiền hiện đại.

Trên thực tế, Kiến trúc Đông Dương dù xuất hiện muộn hơn ở Hà Nội, nhưng là kiến trúc hài hòa với khung cảnh đô thị bởi sự tương đồng về quy mô và tỷ lệ của kiến trúc, đồng thời tạo ấn tượng gần gũi thân thiện với cộng đồng bởi các yếu tố văn hóa kiến trúc truyền thống đã được vận dụng trong công trình.

Có thể khẳng định tư tưởng sáng tạo kiến trúc trên cơ sở kết hợp văn hóa Đông - Tây với phong cách Kiến trúc Đông Dương là thành tựu cao nhất của kiến trúc Pháp ở Đông Dương, có ảnh hưởng sâu sắc đến những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên và sau này ở nước ta trong sáng tác kiến trúc theo hướng hiện đại và bản sắc.