Kiểm tra kỹ thuật bảng mạch điện tử chất lượng cao tại Công ty Meiko, Khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Hải Linh |
Tổng vốn đầu tư tăng lên
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2019 theo giá hiện hành đạt 359,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,2% GDP. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 106,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng vốn và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 158.000 tỷ đồng, chiếm 44% và tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,3% và tăng 7,5%.
Cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã chuyển dịch theo hướng, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước đã giảm từ vị trí lớn nhất trong 3 khu vực xuống vị trí thứ 2; của khu vực ngoài nhà nước đã tăng từ vị trí thứ 2 lên vị trí lớn nhất trong 3 khu vực; tiếp đến là nguồn FDI.
Thúc đẩy vốn trong nước, tăng chất lượng đầu tư FDI
Nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hình thành các công trình trọng điểm của đất nước, trong việc đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, vùng mà các nguồn vốn từ các khu vực khác không được (như quốc phòng, an ninh) hoặc không muốn đầu tư (do không được hoàn vốn, khó thu hồi vốn, chậm thu hồi vốn, có tỷ suất lợi nhuận thấp...); là nguồn “vốn mồi” để thu hút các nguồn vốn khác...
Tỷ trọng vốn từ khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã giảm xuống theo thời gian (từ 54,3% năm 2000 xuống còn bình quân 51,8% thời kỳ 2001 - 2005, còn khoảng 38,9% thời kỳ 2006 - 2015, còn 33,3% năm 2018, còn 29,7% trong quý I/2019. Sự sụt giảm tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước là một trong những yếu tố làm cho tốc độ tăng GDP của khu vực này giảm (từ 7,72% năm 2000 xuống còn 4,2% từ năm 2017). Quý I năm nay tỷ lệ thực hiện kế hoạch còn thấp (14,7%) và tăng thấp, nhiều bộ, ngành, địa phương còn thấp hơn nữa.
Theo chiều ngược lại, tỷ trọng vốn từ khu vực ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội liên tục tăng lên theo thời gian: Từ 24,1% năm 2000, lên 32,5% bình quân thời kỳ 2001 - 2005, lên 36,1% bình quân thời kỳ 2006 - 2010, lên 38,3% bình quân thời kỳ 2011 - 2015, đến 2018 đạt 43,3% và quý I/2019 đạt 44% - cao nhất trong các nguồn. Nhờ tỷ trọng lớn và tăng cao nên tăng trưởng GDP của khu vực ngoài nhà nước có xu hướng cao lên (từ 5,04% năm 2000 lên trên 6,23% từ năm 2017); góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động... Song có thể thấy, quy mô khu vực ngoài nhà nước rộng, nhưng tỷ trọng khu vực tư nhân (thể hiện dưới dạng DN ngoài nhà nước) không lớn về số lao động, số vốn, giá trị tăng thêm. Quy mô DN về lao động, vốn, tài sản cố định nhỏ, tỷ suất lợi nhuận quá thấp (dưới 2%).
Nguồn FDI tính bằng VND quý I chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư phát triển và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn này theo đăng ký tính từ 1988 đến hết quý I/2019 đạt gần 410 tỷ USD; thực hiện đạt gần 195 tỷ USD. Riêng quý I/2019, vốn đăng ký đạt 5119,8 triệu USD, tăng 30,9%, trong đó đăng ký mới đạt 3821,4 triệu USD, tăng 80,1%, đăng ký bổ sung đạt 1298,4 triệu USD, giảm 27,5%. Khu vực này có lợi thế về vốn, kỹ thuật công nghệ, tiêu thụ,... nên hiệu quả đầu tư cao nhất trong các DN, đã chiếm 50% trong giá trị sản xuất công nghiệp, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm trên 20% GDP... Tốc độ tăng GDP đạt cao nhất trong 3 khu vực. Tuy nhiên, việc khu vực này lan tỏa kỹ thuật - công nghệ sang khu vực trong nước còn yếu, tình trạng chuyển giá khá phổ biến.
Phân tích các yếu tố trên cho thấy, cần thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; tiếp tục thúc đẩy, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, tăng tiêu dùng; tạo thêm cơ hội rõ nét cho dòng vốn FDI chất lượng để DN trong nước hợp tác làm ăn và cải tiến năng lực sản xuất.