Nhận định khó khăn, thuận lợi của ngành thép

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định, ngành thép có rất ít yếu tố tích cực trong ngắn hạn, tuy nhiên, cũng không thiếu những thuận lợi trong thời gian sắp tới.

Nhận diện rõ khó khăn

Trước những khó khăn chung của thị trường khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng cùng nhu cầu thép sụt giảm có thể thấy lượng sản xuất thép thô cũng như lượng thép thành phẩm các loại được sản xuất liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 kể từ đầu quý II/2022 cho đến nay.

Ngành thép sẽ có tăng trưởng dương về mặt lợi nhuận trong năm 2023. Ảnh: Hòa Phát
Ngành thép sẽ có tăng trưởng dương về mặt lợi nhuận trong năm 2023. Ảnh: Hòa Phát

Giám đốc khối phân tích công ty CP Chứng khoán VNDIRECT Nguyễn Thị Khánh Hiền nhận định, ngành thép sẽ có tăng trưởng dương về mặt lợi nhuận trong năm 2023 bởi trong năm vừa qua, ngành thép có nền thấp khi những ngân hàng, xuất nhập khẩu... có mức lợi nhuận rất cao.

"Nếu nhìn sâu vào từng DN trong ngành thép, những yếu tổ tích cực trong ngắn hạn rất ít, đi kèm với rủi ro nhiều hơn... Ở thời điểm hiện tại, thị trường xuất khẩu đang gặp khó, có một vài điểm sáng tại các thị trường như Mỹ - có triển vọng tốt hơn châu Âu; trong khối ASEAN xuất khẩu sang Indonesia tốt hơn Thái Lan hay Singapore" - bà Khánh Hiền cho hay.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, với DN có thể linh hoạt dịch chuyển thị phần hướng đến những thị trường tốt sẽ nắm bắt được cơ hội. Tuy nhiên, một vấn đề phải đối mặt đó là không phải DN nào cũng nhanh chóng giải quyết vấn đề hàng tồn kho giá cao vẫn còn tại các nhà máy.

Hiện tại, 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.

“Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 9% trong năm 2023. Hầu hết các tổ chức dự báo giá thép giảm 3% so với năm 2022. Tuy nhiên, về lâu dài nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc đối với các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm đến điểm cân bằng”, bà Khánh Hiền nói.

Trong khó khăn có lợi thế

Nhận định về ngành thép, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, hiện các DN lĩnh vực này đang có 3 khó khăn chính. Đầu tiên là chi phí tài chính khi mức lãi suất vẫn còn cao, tỷ giá còn biến động, nghĩa vụ tài chính còn rất nặng.

Thứ hai, về xây dựng xanh yêu cầu ngành thép phải chuyển đổi, cần ít hay chất thải, nhiều hàm lượng "xanh" trong đó khi xuất khẩu sang Mỹ, EU. Bất lợi thứ ba, một số chi phí khác cũng bị tăng trong đó có giá điện (dự báo sẽ tăng 5 - 7%) khi đây là một trong những ngành "ngốn" điện nhiều nhất.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ 3 lợi thế lớn cho ngành thép, đầu tiên đến từ đầu tư công khi với 711.000 tỷ đồng Thủ tướng yêu cầu giải ngân ít nhất 95% - tăng so với năm ngoái.

Thứ hai, mặt bằng giá thép năm nay cơ bản "nhích" trở lại nhưng không tăng nhanh, mạnh như giai đoạn 2019 - 2020. Cuối cùng, khi Trung Quốc mở cửa thì xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng ngành thép sẽ không bị đứt gãy khi nước này cung cấp đường thép rất lớn.

Được biết, nước này đã báo cáo mức tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong tháng 2, với nguồn cung dòng tiền mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong gần 7 năm, khi Bắc Kinh tìm cách hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng.