Hỗ trợ không quản ngày đêm
Thực tế cho thấy, thời gian đầu dạy học trực tuyến quả không dễ dàng; thậm chí không ít thầy cô nhiều tuổi còn nói rằng, “không dạy”, “không muốn dạy” học trực tuyến vì ngại và vì quá khó. Khó nhất là bởi hình thức dạy học phi truyền thống này chẳng giống trước; thay vì dùng phấn trắng bảng đen và nói thì nay là máy tính, mạng cùng các ứng dụng và nền tảng công nghệ… Để giúp đỡ các thầy cô cùng sáng tạo và phát triển, các CLB tin học tự nguyện, tổ hỗ trợ tin học đã ra đời ở nhiều trường học.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Loan, giáo viên trường Tiểu học Quang Trung, thị xã Sơn Tây năm nay đã ngót 50 tuổi nhưng với đặc điểm rất yêu thích công nghệ thông tin (CNTT), cô nhận ra rằng, ai cũng có thể tăng cường khả năng sử dụng CNTT nếu chịu khó và có ý thức học hỏi- giống như cô. Khi trở thành hạt nhân tích cực trong CLB về CNTT của trường, cô nhận ra, tính ngại thay đổi của các thầy cô có tuổi và công việc gia đình, con nhỏ của các thầy cô giáo trẻ… là rào cản khá lớn trong việc dạy và học trực tuyến trong giai đoạn hiện nay. Các thầy cô thường rất ngại khi gặp vấn đề về công nghệ nên cô Loan đã động viên, khuyến khích đồng nghiệp bằng cách đề xuất với nhà trường tổ chức các chuyên đề về ứng dụng CNTT; hướng dẫn các đồng nghiệp thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến. Chị cũng động viên mỗi thầy cô hãy tận dụng lợi thế của mình: Thầy cô có tuổi thì nhờ con cháu; thầy cô trẻ thì có sẵn ưu điểm về sự nhanh nhẹn trong việc sử dụng mạng xã hội… Bên cạnh đó, chị còn sưu tầm các video hướng dẫn có sẵn trên internet để gửi đồng nghiệp tự học.
Cô Nguyễn Thị Bích Loan- giáo viên trường Tiểu học Quang Trung, thị xã Sơn Tây trong một buổi tập huấn, phổ biến nội dung sử dụng Google Driver trong quản lí giáo án cho giáo viên tiểu học trên địa bàn (thời điểm trước 4/5/2021) |
Cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa cũng là một trong những giáo viên năng động, yêu thích CNTT và có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ các thầy cô trong trường thành thạo về các phần mềm dạy học. Ngoài hỗ trợ nhiệt tình không quản sớm tối, các cô luôn nhẫn nại từng chút một; ghi nhận sự tiến bộ mỗi ngày của các thầy cô giáo giúp nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến của trường.
Luôn đau đáu về các giải pháp trong dạy học trực tuyến, trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ đã xây dựng nếp sinh hoạt chuyên môn hàng tuần cho giáo viên vào thứ Bảy với tên gọi “Tối thứ Bảy yêu thương”. Đây là diễn đàn, là không gian để giáo viên lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu về những khó khăn, những tình huống của các đồng nghiệp gặp phải trong các giờ học online và cùng nhau tìm cách tháo gỡ. “Những ngày đầu dạy trực tuyến, các cô giáo cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, lúng túng nhưng qua chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn; cùng học hỏi, rút kinh nghiệm; giờ đây, mọi vấn đề trong dạy trực tuyến đã được tháo gỡ, chất lượng các giờ học online của trường đã được nâng lên rất nhiều”- cô Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trường trường THCS Xuân La cho biết.
Hiệu quả bất ngờ
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của cô Nguyễn Thị Bích Loan cùng tổ CNTT, từ chỗ nhiều thầy cô chưa tận tường về các phần mềm dạy học thì đến nay, tất cả các giáo viên trong trường đã sử dụng thành thạo Zoom- ứng dụng dạy trực tuyến phù hợp với học sinh tiểu học để dạy học; kết hợp với đó, là sử dụng có hiệu quả các ứng dụng khác: Qiuizi, Padlet, Educandy, Azota... giúp tăng tương tác và hứng thú cho học sinh. Mỗi buổi học trực tuyến giờ đây là những giây phút vui vẻ, hào hứng của cả thầy- trò và học sinh nào cũng chờ đợi những bài học thú vị, sinh động chờ đợi mình phía trước.
“Tôi được Ban giám hiệu cùng các giáo viên trong trường rất ủng hộ, động viên và đồng hành thử nghiệm những cái mới. Đặc biệt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung (Sơn Tây) Trần Thị Thu Hà đã khuyến khích và Phó trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây Vương Thị Minh Hải đồng ý để tôi phổ biến nội dung sử dụng Google Driver trong quản lí giáo án (nay gọi là Kế hoạch dạy học) trong giáo viên nhà trường và định hướng phổ biến rộng rãi cho giáo viên toàn thị xã Sơn Tây. Việc đó giảm rất lớn công sức, tiền bạc của giáo viên khi không phải in giáo án, đồng thời tạo sự thuận lợi cho thầy cô giáo khi sử dụng cũng như cho Ban giám hiệu khi kiểm tra đánh giá giáo viên ở mọi lúc, mọi nơi.”- cô Nguyễn Thị Bích Loan chia sẻ.
Các giờ học trực tuyến trở nên vui nhộn, bớt căng thẳng khi ứng dụng các phần mềm trò chơi học tập đan xen |
Cô Trần Thu Thủy, giáo viên trường THCS Thượng Thanh, quận Long Biên cũng được biết đến là giáo viên trẻ có nhiều đổi mới sáng tạo trong sinh hoạt chuyên môn và đã cùng Ban giám hiệu thành lập “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”. Ở đó có các hoạt động hỗ trợ các nhà giáo để nâng cao năng chuyên môn, đặc biệt là năng lực và khả năng ứng dụng CNTT được chú trọng để thầy cô có những tiết học lôi cuốn học trò trong giai đoạn học trực tuyến. Mô hình này cũng phát huy hiệu quả tại trường THCS Cổ Loa, huyện Đông Anh. Theo Hiệu trường THCS Cổ Loa Nguyễn Thị Thuần, “CLB về tin học của trường có 4 thầy cô không chuyên công nghệ nhưng giàu nhiệt huyết và đam mê. Được thành lập từ năm học 2018- 2019 và hoạt động từ đó đến nay nhưng đặc biệt, năm học 2021- 2022, công tác dạy- học của các trường hoàn toàn trực tuyến nên CLB càng phát huy hiệu quả. Các thầy cô thành viên CLB đã rất tích cực tự học hỏi, tìm tòi và chủ động giúp đỡ thầy cô giáo trong trường để cùng sử dụng thành thạo các ứng dụng dạy học. Chẳng những vậy, CLB còn có vai trò hỗ trợ các trường khác trong khu vực để cùng nhau tiến bộ”.
Kỹ năng sử dụng thành thạo CNTT của các giáo viên thời đại công nghệ 4.0 đã khẳng định nhà giáo thực sự là những người định hướng, người khơi gợi để học sinh thỏa sức sáng tạo. Và điều ý nghĩa hơn, đó là có những CLB tin học tự nguyện đảm nhiệm vai trò truyền tình yêu công nghệ đến với các thầy cô để cùng sử dụng tốt CNTT, bằng ứng dụng các phần mềm để tạo hứng thú cho học sinh, giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Qua việc ứng phó với dịch bệnh thì điều đáng mừng nhất là chúng ta nhìn ra một sức mạnh, niềm tin được củng cố rất nhiều từ sự nhiệt thành, tận tụy, hy sinh của đội ngũ hơn 1 triệu giáo viên, của các cán bộ quản lý. Trong gian khó của dạy học trực tuyến, của ứng phó với dịch bệnh nhưng các thầy, các cô không kêu ca, trên các diễn đàn và các nhóm thì không nhiều các ý kiến phàn nàn, đó là điều rất tích cực; các thầy, các cô sáng tạo vô cùng. Nổi bật lên một yếu tố rất quan trọng đó là tinh thần tốt, sự tận tâm và củng cố thêm cho chúng ta những niềm tin vào đội ngũ quản lý và các nhà giáo… |