Nhân rộng cách làm hay trong thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 29/11, Sở VH&TT, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan TP, Ban Thi đua khen thưởng TP tổ chức tọa đàm: Kinh nghiệm hay trong thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Chuyển biến mạnh mẽ

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Nghị quyết ĐH Đảng bộ TP nhiều nhiệm kỳ luôn xác định đây là một trong 3 nội hàm quan trọng trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” với các chuẩn mực định hướng cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến phấn đấu xây dựng TP Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, văn minh.

Năm 2017, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, TP đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử gồm: Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội..

Bộ phận một cửa - UBND huyện Chương Mỹ
Nhân dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa - UBND huyện Chương Mỹ (Ảnh TL)

Năm 2019, Hội đồng Thi đua khen thưởng TP ban hành kế hoạch về tổ chức thực hiện Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Qua 6 năm thực hiện các Quy tắc ứng xử và 4 năm thực hiện Phong trào đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện.

Cùng với đó, giúp định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân trong gia đình và xã hội; giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá: Về tổng thể, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ TP tới cơ sở ngày càng được nâng lên nhưng trong thời gian gần đây, có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm…

Do đó, hội nghị tọa đàm không chỉ đặt ra những vấn đề trong công tác xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh, mà còn là dịp để trao truyền, nêu cao ý thức, trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu.

Nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, các lãnh đạo, cán bộ cơ sở đã chia sẻ nhiều cách làm hay, nhiều kinh nghiệm quý trong công tác thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, trong đó đều đề cập đến việc linh hoạt, bài bản và sâu sát trong công tác tuyên truyền; chú trọng việc xây dựng cảnh quan đơn vị sáng- xanh – sạch đẹp thông qua trang trí cây xanh, vệ sinh môi trường và vẽ tranh bích họa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…

Môi trường văn hóa, rợp bóng cây xanh của Trường Mầm non Đa Sỹ, Hà Đông
Môi trường văn hóa, rợp bóng cây xanh của Trường Mầm non Đa Sỹ, Hà Đông

Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hoài Đức Ngô Thị Sinh cho biết, để tạo cho người dân có cảm giác gần gũi, thân thuộc khi đến thực hiện TTHC tại cơ sở, bộ phận một cửa của UBND huyện có ý kiến đề xuất việc may đồng phục cho cán bộ một cửa tại trụ sở UBND huyện và UBND 20 xã, thị trấn.

“Ý tưởng được hiện thực hóa từ năm 2018 đến nay. Bộ đồng phục lịch sự của cán bộ một cửa đã thể hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ; đồng thời tạo cảm giác yên tâm, thiện cảm đối với người dân”, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoài Đức chia sẻ.

Thực hiện nghiêm quy định sinh hoạt dưới cờ sáng thứ Hai tuần đầu tiên của tháng, phân công lịch tuần khoa học, quy củ là cách quận Long Biên đã và đang làm trong xây dựng văn hóa công sở. Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Đặng Thị Ánh Nguyệt cho hay, CBCCVC của đơn vị luôn coi cơ quan là ngôi nhà thứ 2, lí do bởi, không gian làm việc xanh tại đây được thiết kế đẹp mắt, văn minh, tạo sự nền nếp, chỉn chu, quy củ, văn hóa tại nơi công sở.

Trưởng phòng VH&TT huyện Đông Anh Đặng Quang Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng với những cá nhân, tập thể điển hình, có thành tích thường xuyên, đột xuất. Bằng việc nêu gương của cán bộ công chức và người đứng đầu, việc chào cờ hàng tuần lồng ghép nội dung khen thưởng, biểu dương định kỳ tại các dịp lễ hay khen thưởng cá nhân có thành tích đột xuất đều được đơn vị tổ chức trang trọng, có ý nghĩa khích lệ kịp thời với CBCCVC.

Còn Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, bên cạnh nêu gương sáng, huyện còn tăng cường hình thức “bêu gương” với việc chưa tốt, hình ảnh chưa đẹp và việc này cho thấy hiệu quả ngay lập tức. Huyện còn đẩy mạnh thực hiện nhiều nội dung như tạo cảnh quan cơ quan thư thái, có khu vực trao giấy kết hôn tại UBND các xã, chụp lại hình ảnh đẹp hàng ngày gửi zalo... để góp phần thay đổi nhận thức, hành động của CBCCVC cũng như của Nhân dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị để tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh hiệu quả của việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên dương khen thưởng, kiểm tra kiểm soát công tác thực hiện... để nâng cao văn hóa công vụ, góp phần tạo niềm tin và sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp, công dân đối với các cơ quan Nhà nước.