Mô hình điểm Vạn Phúc
Theo UBND huyện Thanh Trì, sau khi lò mổ Thịnh Liệt dừng hoạt động vào cuối năm 2010, công tác quản lý, vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, đã phát sinh mới 6 điểm giết mổ không đảm bảo quy định. Đồng thời, công suất giết mổ của các điểm giết mổ cũ tăng gấp 3 - 4 lần. Để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, huyện Thanh Trì đã đề xuất và được UBND TP chấp thuận cho xây dựng một CSGM gia súc, gia cầm thủ công tập trung có thời hạn. Huyện đã giao Công ty CP An Thịnh triển khai đầu tư xây dựng cơ sở này tại thôn 3, xã Vạn Phúc, với diện tích 13.680m², và đến nay, đã được đưa vào hoạt động. Trong đó, có 26 gian mổ, diện tích bình quân 132m²/gian. Ngoài ra, còn có nhà làm lòng diện tích 197m², trạm bơm và tháp cung cấp nước, lò hơi, bể biogas chứa chất thải, nhà kiểm dịch thú y và các công trình phụ trợ khác. Tổng công suất giết mổ 1.500 con lợn/ngày đêm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Thịnh cho biết, đã có 22 hộ dân thuê 22/26 gian, với số lượng lợn giết mổ bình quân 650 con/ngày đêm, đạt 43% công suất. Toàn bộ các hộ đã ký cam kết thực hiện giết mổ theo đúng quy định. Trong dịp Tết Nguyên đán, CSGM này đã mổ được 8.813 con lợn, cung cấp khoảng 700 tấn thịt lợn cho thị trường thành phố.
Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì đánh giá, CSGM Vạn Phúc đi vào hoạt động đã tập hợp được các hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo quy định. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong công tác quản lý hoạt động giết mổ. Đồng thời, giải quyết được nhu cầu thực phẩm trên địa bàn huyện và cung cấp một phần thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, đã qua kiểm dịch cho khu vực nội thành Hà Nội.
Gỡ khó để nhân rộng
Mặc dù đã có tác động tích cực ban đầu, song hiện nay, tình hình hoạt động của CSGM Vạn Phúc còn một số khó khăn. Đó là hệ thống xử lý chất thải chưa đảm bảo, nguồn điện yếu và thường xuyên bị gián đoạn, nhất là vào giờ cao điểm. Do đó, ông Tuấn đề xuất với thành phố, huyện có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và hóa chất để xử lý nước thải, khử trùng tiêu độc môi trường cho các CSGM gia súc, gia cầm tập trung. Đồng thời, tạo điều kiện về hệ thống điện riêng, đảm bảo cho các CSGM hoạt động ổn định.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có gần 4.000 điểm, CSGM gia súc, gia cầm. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách chung để hỗ trợ các hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào khu tập trung trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP tính toán, khi vào khu giết mổ tập trung, ít nhất mỗi hộ phải bỏ ra 15 - 20 triệu đồng/tháng thuê gian hàng, mua nước… Vì thế, trong giai đoạn đầu, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ này, khuyến khích họ vào điểm giết mổ tập trung, tránh tình trạng tái giết mổ nhỏ lẻ trở lại. Cùng với đó, thành phố và các quận, huyện cần có quy hoạch dài hạn các điểm, CSGM tập trung và hỗ trợ mặt bằng, mức phí thuê đất cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, xây dựng CSGM…
Thực tế hiện nay các CSGM tập trung chưa chú ý đến yếu tố con người. Ta?i Trung Quốc, Đài Loan hay ngay như TP. HCM, các CSGM còn xây dựng cả một khu nhà ở cho công nhân giết mổ. Có như vậy họ mới yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài vì hoạt động chủ yếu vào thời điểm 2 - 3 giờ sáng. Do đó, trong chính sách phát triển các CSGM tập trung cần nghiên cứu luôn cả dịch vụ cho người giết mổ. Ông Vũ Minh Đức Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội |