Đây được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để tạo "lực" cho việc thực hiện các tiêu chí NTM khác.
Hơn 9.000 mô hình sản xuất hiệu quả
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2013, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các tỉnh, TP đều quan tâm triển khai tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn gắn với nâng cao thu nhập của người dân theo mục tiêu xây dựng NTM. Đặc biệt, một số tỉnh, TP như Lâm Đồng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Hà Nội… còn xúc tiến công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được triển khai ở 43 tỉnh, TP với diện tích khoảng 100.000ha.
Số liệu thống kê trong năm qua, ngân sách các địa phương hỗ trợ cho phát triển sản xuất đạt khoảng 8.400 tỷ đồng. Trong đó nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi để giúp nông dân mua máy móc nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng. Tiêu biểu, năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đạt 282,6 triệu đồng/ha, TP Hà Nội đạt 212,4 triệu đồng/ha. Cả nước hiện đã có trên 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả.
Tuy nhiên, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả mới chỉ ở diện hẹp, chưa được nhân rộng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, đa số các hộ nông dân, chủ trang trại, HTX vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất. Trong khi đó, nhiều địa phương lại chưa quan tâm tạo vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để người dân học tập. Ước tính, mới chỉ có khoảng 6 - 7% tổng số vốn xây dựng NTM được dành cho phát triển sản xuất.
Tiếp tục nhân rộng
Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM. Do đó, năm 2014 cần tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi, thu nhập và phát triển sản xuất được coi là những tiêu chí quan trọng của xây dựng NTM. Trong đó, cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng NTM gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả từ cấp tỉnh tới huyện, xã. Trong quá trình phát triển sản xuất, các địa phương cần quan tâm tới việc liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 vừa tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng NTM đề nghị, các bộ, ngành sớm tổng kết các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để nhân rộng ra toàn vùng và cả nước. Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy cũng đề ra nhiệm vụ phát huy thế mạnh của Thủ đô, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp đã được UBND TP phê duyệt, trọng tâm là sản xuất lúa hàng hóa, hoa, cây cảnh, cây ăn quả giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi trang trại, nuôi bò sữa...
Mô hình trồng hoa ly cho thu nhập cao tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiện Quang
|
Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM năm 2013 cả nước đạt 138.845 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư là 1.680 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 8.265 tỷ đồng, đóng góp của cộng đồng 18.339 tỷ đồng, phần còn lại là các nguồn vốn khác. |