Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng mô hình “thôn thông minh”

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Thuận Quang (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) được xem là nơi đầu tiên ở Hà Nội triển khai thành công mô hình “thôn thông minh”. Đây cũng là tiêu chí bắt buộc mà các địa phương phải bảo đảm trên hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Công nghệ thay đổi cuộc sống

Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, ông Lê Mạnh Quân (thôn Thuận Quang) mở điện thoại để lướt web, giải trí. Từ ngày mạng wifi được lắp đặt miễn phí trong toàn thôn, việc truy cập internet của ông Quân thuận lợi hơn nhiều, lại tiết kiệm được chi phí 3G/4G từ nhà mạng.

“Việc lắp mạng ở thôn giúp chúng tôi dễ dàng truy cập vào các kênh thông tin để nắm bắt tình hình thời sự trong nước. Ngoài tin tức, người dân cũng có thể nghe nhạc, xem phim online mà không lo bị giới hạn dung lượng data” - ông Quân phấn khởi cho biết thêm.

Theo dõi camera giám sát cộng đồng tại thôn Thuận Quang (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm). Ảnh: Lâm Nguyễn
Theo dõi camera giám sát cộng đồng tại thôn Thuận Quang (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm). Ảnh: Lâm Nguyễn

Từ khi thực hiện mô hình “thôn thông minh”, thay vì bắc loa thông báo, trưởng thôn Thuận Quang Hoàng Đình Hoan chỉ cần một thao tác đơn giản là đăng lên trang thông tin của thôn được thiết lập trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Việc này cũng giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và thuận tiện nhất.

“Thông qua những trang thông tin thôn, xóm được thiết lập trên nền tảng mạng xã hội Zalo, thôn đã kêu gọi xã hội hóa và xây dựng được tuyến đường dài 600m, sử dụng 18 đèn điện năng lượng mặt trời, trị giá hơn 150 triệu đồng. Việc kêu gọi ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tháng hành động vì trẻ em” cũng như các công việc khác của địa phương được người dân nhanh chóng nắm bắt, thực hiện…” - ông Hoan cho biết thêm.

 

Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã có 3 xã: Phù Đổng, Cổ Bi và Dương Xá được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu trong năm 2023, sẽ có thêm hai xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là Ninh Hiệp và Bát Tràng.

Làm xong mẻ hành, đóng gói thành phẩm, chị Dương Thị Phương - chủ cơ sở sản xuất hành khô tại thôn Thuận Quang lấy điện thoại chụp ảnh các sản phẩm và đăng tải lên mạng xã hội để quảng bá. Chị còn livestream và gọi videocall để quảng cáo trực tiếp sản phẩm đến với khách hàng.

Sử dụng công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương là cách thức đang được nhiều hộ sản xuất - kinh doanh như chị Phương áp dụng. Từ khi áp dụng công nghệ vào bán hàng trực tuyến, việc buôn bán của các hộ dân thôn Thuận Quang cũng thuận lợi, khách hàng tìm đến ngày một nhiều hơn...

Hướng đến nông thôn hiện đại

Theo Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh “thôn thông minh” là một mô hình hay, với quyết tâm đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo nông thôn mới của địa phương đã quyết định lựa chọn thôn Thuận Quang để xây dựng mô hình điểm. Bắt tay vào triển khai, địa phương đã tiến hành rà soát, ghi nhận 100% số hộ ở thôn Thuận Quang sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại; 325 hộ đã lắp mạng internet; 153 gia đình có lắp camera giám sát kết nối điều khiển thông qua điện thoại...

“Chính quyền xã chỉ đạo cán bộ thôn phối hợp với đơn vị chức năng hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đồng thời huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí cùng 16 camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính... Những việc làm này được 100% hộ gia đình trong thôn nhiệt tình hưởng ứng” - ông Tô Hữu Vịnh cho hay.

Đại diện UBND xã Dương Xá cho biết thêm, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát triển các nội dung “thôn thông minh” tại thôn Thuận Quang, trong đó có xây dựng mô hình điểm du lịch nông thôn. Sau khi hoàn thành các tiêu chí của thôn Thuận Quang, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “thôn thông minh” đến các thôn khác trên địa bàn xã.

Đánh giá cao hiệu quả mô hình “thôn thông minh” Thuận Quang của xã Dương Xá, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết sẽ chỉ đạo các xã nghiên cứu, học tập để tiến tới nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn huyện. Đây cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc để các xã tiến gần hơn đến mục tiêu về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

“Mô hình "thôn thông minh" như tại thôn Thuận Quang chính là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng hiện đại, góp phần tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…” - ông Nguyễn Đức Hồng nhấn mạnh.