Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 30.000 học sinh (HS) THCS và THPT, 700 giáo viên, 45.000 phụ huynh và khoảng 100 cán bộ ngành giáo dục ở Hà Nội đã “hội tụ” trong dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” do Sở GD&ĐT và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam “khởi động” từ tháng 6 năm ngoái.

Nửa năm triển khai thí điểm đã cho thấy, bạo lực giới nơi học đường không phải là “chuyện trẻ con”. Và mục tiêu HS nữ và nam từ 11 – 18 tuổi học tập tại 20 trường học Hà Nội được bảo vệ an toàn khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại trường học mà dự án đặt ra là hết sức thiết thực.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Dự án đang được triển khai thí điểm tại 20 trường học, bao gồm 10 trường THCS và 10 trường THPT của 16 quận, huyện Hà Nội. Một cuộc khảo sát thực tế về tình trạng bạo lực giới trong trường học đã được thực hiện nhằm “thăm dò” ý kiến các HS. Ông Glenn Gibney - Giám đốc Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam khẳng định: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các hành vi bạo lực trên cơ sở giới mà trẻ em phải trải qua hoặc do trẻ em gây ra để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe, thể chất và tinh thần. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm cả bạo lực giới trong trường học là khá cao. Kết quả cuộc khảo sát ở Hà Nội đã cho thấy, bạo lực thân thể diễn ra khá phổ biến (38% số HS THCS và 20,6% HS THPT được hỏi), bạo lực tinh thần cũng “thường trực trên đường đến trường và về nhà (với 30% HS THCS và 23,5% HS THPT được hỏi). Những con số ấy còn chưa nói hết được mức độ của vấn đề này, bởi còn rất nhiều HS nữ e dè, chọn cách không trả lời khi được hỏi. Song điều mừng nhất là từ các nghiên cứu, người làm dự án đã quả quyết, thanh - thiếu niên hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình, bởi trong giai đoạn vị thành niên, các em dễ hình thành thái độ công bằng giới và có các biện pháp thay thế bạo lực.

Mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là dự án đầu tiên tại Hà Nội có cách tiếp cận toàn diện, hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề bạo lực giới trong môi trường học đường và đây là mô hình đã được thực hiện thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình này giúp tăng cường sự tham gia trực tiếp của thanh - thiếu niên, giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh và cộng đồng nhằm thúc đẩy các hành vi không phân biệt giới ở trường học, mang lại sự thay đổi tích cực trong thái độ và hành vi của mỗi cá nhân. Dự án sẽ tiếp tục đồng hành cùng HS Hà Nội trong năm 2015 này và còn “hứa” đi tiếp đến hết năm 2016 với mục tiêu nhân rộng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” trên toàn TP để đem đến cho HS điều kiện học tập thuận lợi nhất.