70 năm giải phóng Thủ đô

Nhân rộng những vùng nông nghiệp công nghệ cao

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, T.Ư và TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Bước đầu cho thấy nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tăng 25% giá trị ngành nông nghiệp
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc ứng dụng CNC đang diễn ra tại hầu hết các nhóm lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, toàn TP có 119ha sản xuất rau màu có sử dụng nhà màng, nhà lưới và 15ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Đối với canh tác hoa, hiện có khoảng 110ha bước đầu ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, trong đó, có 0,1ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm. 925ha cây ăn quả và 307ha cây chè ứng dụng CNC cũng đang phát triển rất hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi lợn khép kín, ngoài khu dân cư tại HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng
Song song với trồng trọt, ứng dụng CNC trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng. Cụ thể, ngành nông nghiệp Hà Nội đang thúc đẩy việc sử dụng giống nhập ngoại để cải thiện đàn giống trong nước. Điển hình như gà D300 của Cộng hòa Séc; lợn đực giống Landrace, Yorksire… từ Đan Mạch; lợn nái giống Thái Lan, Canada… Đối với hạ tầng sản xuất, hiện có 30% số trang trại lớn chăn nuôi lợn, gà sử dụng hệ thống chuồng kín. Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý ô nhiễm môi trường đang được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học Biofloc giúp sản xuất sạch hơn đang tích cực được triển khai…

Đến nay, toàn TP đã xây dựng và phát triển được 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC. Trong đó, huyện Mê Linh dẫn đầu với 17 mô hình, tiếp đến là các huyện: Thường Tín 14 mô hình, Gia Lâm 13 mô hình, Đông Anh 8 mô hình… Các mô hình góp phần tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trên 25%, nâng cao đời sống người nông dân, qua đó, tăng cường củng cố an ninh trật tự khu vực nông thôn.

Phấn đấu tăng trưởng từ 2 - 2,5%

Mặc dù những năm qua, T.Ư và TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, tuy nhiên, kết quả đến nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhìn nhận khách quan, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC hiện chủ yếu có quy mô nhỏ. Công tác nghiên cứu ứng dụng CNC vào sản xuất còn hạn chế, nhất là ở khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Hiện, vẫn còn thiếu những cơ chế chính sách đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư vào nông nghiệp CNC. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ nông sản CNC hiện còn gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư lớn, trong khi giá tiêu thụ chưa cao. Đây là lý do khiến nhiều đơn vị chưa thực sự mặn mà.

Đối với định hướng phát triển nông nghiệp năm 2018, ông Chu Phú Mỹ cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy Chương trình nông nghiệp CNC trong sản xuất hoa, cây cảnh, rau màu, cây ăn quả… Ưu tiên phát triển vùng lúa chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung ngoài khu dân cư, bảo đảm ATTP trên cơ sở ứng dụng CNC theo hướng hàng hóa, chuyên canh quy mô lớn.

Để nông nghiệp ứng dụng CNC thực sự có được bước tiến mạnh mẽ hơn trong năm 2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương cần tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị cao và bền vững. Trong quá trình phát triển, cần đặc biệt chú trọng bảo đảm ATTP. Cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, cần tiếp tục nhân rộng những vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2018 từ 2 - 2,5%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn xuống còn 2,1%.q